Hồi sinh giống lúa của dân tộc Bru - Vân Kiều

Vụ đông xuân năm nay, cùng với các giống lúa thông thường khác, bà con dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) còn gieo giống lúa nếp than. Ðây là giống lúa nếp quý bị thất truyền, nay được khôi phục trở lại nhờ Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Hữu Hán.

Ðồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy thu hoạch lúa nếp than.
Ðồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy thu hoạch lúa nếp than.

Năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hán, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy được luân chuyển làm Bí thư Ðảng ủy xã Ngân Thủy. Sau nhiều lần tiếp xúc các già làng, trưởng bản người Bru - Vân Kiều trên địa bàn, ông Hán nghe kể nhiều về giống lúa nếp than, một loại giống lúa nếp quý, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng rừng, có hạt gạo mầu đen để trỉa trên nương. Ðược Nhà nước vận động sống định canh, định cư và được hỗ trợ những giống lúa nước có năng suất cao hơn, nhưng người dân chưa có kinh nghiệm lưu giữ hạt giống cho nên giống lúa nếp than bản địa bị thất truyền. Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, ông Hán quyết tâm tìm cách khôi phục giống lúa nếp này. Nghe nói đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) vẫn đang lưu giữ được giống lúa nếp than, ông Hán lặn lội vào tận nơi tìm hiểu. Khi trở về xã, ông mang theo một nắm hạt giống lúa nếp than xin được của người Pa Cô ở xã A Roàng. Tuy nhiên, để đưa một giống lúa nếp trỉa trên nương xuống ruộng lúa nước cần có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Từ những hạt giống mang về, ông Hán gieo thử nghiệm trong những chiếc xô, chậu bằng nhựa ngay trong vườn nhà mình để tìm hiểu và nắm bắt các giai đoạn sinh trưởng, từ đó có cách chăm sóc phù hợp. Ban đầu, giống gieo không mọc mầm, có thể do đất nhiều nước, lần sau, ông rút khô nước trong chậu, gieo lại giống. Lần này, lúa nếp than mọc đều, đẻ nhánh, ngậm sữa và cho những bông nếp đầy hạt đen tuyền trĩu nặng. Theo ông, từ khi gieo đến khi thu hoạch, giống lúa nếp than cần 130 ngày, ngắn hơn một chút so với các giống lúa thông thường mà người dân đang sản xuất. Hạt gạo nếp mầu tím sẫm, thơm ngon.

Sau thành công từ mô hình gieo trong xô, chậu, Bí thư Nguyễn Hữu Hán tạo ra nguồn giống và đề nghị ba cán bộ chủ chốt của xã, bản gieo thử trên ruộng lúa nước của mình. Ông bám đồng ruộng để chỉ đạo cách gieo trồng, chăm bón và kết quả thành công ngoài mong đợi. Ðiều mà ông Hán và các cán bộ xã Ngân Thủy cùng người dân vui mừng là giống nếp than vẫn thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng của miền núi xã Ngân Thủy. Thậm chí trên nương, lúa thích nghi với điều kiện sinh trưởng trong ruộng nước, có thể canh tác cả hai vụ là đông xuân và hè thu. Lúa phát triển tốt, thu hoạch được mùa, gạo giống lúa nếp này bán được giá hơn so với gạo thông thường. Từ thành công của các mô hình trên đồng ruộng, vụ đông xuân năm nay, xã Ngân Thủy gieo 5 ha lúa nếp than. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Hán cho biết: “Nếp than ở Ngân Thủy được người dân trồng không sử dụng phân hóa học, không thuốc trừ sâu cho nên sản phẩm hoàn toàn sạch. Dù năng suất không thật cao, chỉ với hơn 30 tạ/ha, nhưng gạo nếp than giàu chất dinh dưỡng nên giá trị sản phẩm mang lại khá lớn. Hiện gạo nếp than giá 50 nghìn đồng/kg, cao gấp hai lần so với các loại nếp khác”. Vậy là sau bao nhiêu năm thất truyền, hạt nếp than thật sự trở lại và hồi sinh trên mảnh đất quê hương của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.