Hội Nội thất Việt Nam - Góp phần phát triển bền vững, có bản sắc nội thất Việt Nam đương đại

NDO - Ngày 8/10, Đại hội thành lập Hội Nội thất Việt Nam diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ nhiều địa phương trên toàn quốc. Đại hội đã bầu ra 31 thành viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó kiến trúc sư Lê Trương giữ chức Chủ tịch Hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Ban Chấp hành Hội Nội thất Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt tại Đại hội.
Các thành viên Ban Chấp hành Hội Nội thất Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt tại Đại hội.

Dự Đại hội có đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, như Bộ Xây dựng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp…; cùng các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ nhân, doanh nhân… hoạt động trong mọi lĩnh vực của ngành nội thất.

Nhận định về ngành nội thất Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hồng Cương (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Thị trường nội thất Việt Nam thể hiện được tiềm năng phát triển rất lớn với sự có mặt của hầu hết các thương hiệu nội thất lớn của thế giới. Cả nước có khoảng hơn 10 nghìn doanh nghiệp liên quan đến nội thất, cùng các số liệu tăng trưởng của giá trị sản xuất nội thất, xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đang có những bước phát triển mạnh mẽ”.

Ngành nội thất với đặc thù liên quan, gắn bó chặt chẽ với văn hóa, nghệ thuật và công nghệ cũng đã và đang chuyển mình, là một mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động của ngành nội thất Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, đó là: vai trò, vị trí và phạm vi hoạt động của ngành trong lĩnh vực đầu tư công còn mờ nhạt; hoạt động của các doanh nghiệp còn rời rạc, thiếu định hướng; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội; khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội thất Việt Nam chưa cao.

Hội Nội thất Việt Nam - Góp phần phát triển bền vững, có bản sắc nội thất Việt Nam đương đại ảnh 1
Đại diện Bộ Nội vụ công bố và trao Quyết định cho phép thành lập Hội Nội thất Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc hình thành một tổ chức xã hội-nghề nghiệp góp phần tập hợp, gắn kết chặt chẽ, tạo nền tảng hoạt động chuyên nghiệp, thuận lợi và phát triển cho các cá nhân, đơn vị hoạt động trong ngành nội thất là nhu cầu cấp thiết. Sau quá trình 3 năm vận động, ngày 12/7/2023, Bộ Nội vụ đã ký quyết định số 499/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Nội thất Việt Nam. Hội quy tụ 6 nhóm ngành gồm: Tư vấn thiết kế, Thi công, Sản xuất, Thương mại, Chuyên gia và Nhóm liên quan.

Phát biểu tại Đại hội, Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có những chia sẻ tâm huyết của một chuyên gia giàu kinh nghiệm nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa: “Hội Nội thất Việt Nam ra đời phải góp phần định hình và nuôi dưỡng thẩm mỹ cùng những giá trị nhân văn của người Việt, gạn lọc, dẫn dắt sao cho vừa đẹp vừa tinh tế, văn minh, văn hóa. Cần tránh những sự xa hoa, phô trương, đặc biệt là chú trọng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với sự phát triển của xã hội”.

Hội Nội thất Việt Nam - Góp phần phát triển bền vững, có bản sắc nội thất Việt Nam đương đại ảnh 2

Kiến trúc sư Lê Trương (bên phải) được bầu là Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nội thất Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; báo cáo kết quả họp Ban Chấp hành phiên đầu tiên và ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028.

Trong khuôn khổ chương trình, một không gian triển lãm với chủ đề “The first look” (tạm dịch: Cái nhìn đầu tiên) cũng được trưng bày, giới thiệu tới công chúng một số công trình, sản phẩm, bài báo khoa học… tiêu biểu về thiết kế và thi công nội thất Việt Nam thời gian qua. Qua đó, phác họa bức tranh toàn cảnh ngành nội thất với những thành tựu và định hướng bước đi tiếp theo.

Hội Nội thất Việt Nam - Góp phần phát triển bền vững, có bản sắc nội thất Việt Nam đương đại ảnh 3

Không gian triển lãm "The first look" về ngành nội thất Việt Nam.