Năm 2021, TP Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Các sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong đó có văn học đều dừng lại để thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và các hội viên đã nỗ lực vượt qua những trở ngại, ghi dấu ấn bằng nhiều hoạt động nổi bật, góp phần mang lại sinh khí mới cho hoạt động sáng tác văn chương, không chỉ đối với người cầm bút của thành phố.
Hội Nhà văn thành phố vẫn cố gắng thực hiện thành công 2 chuyến đi thực tế sáng tác ở Tây Ninh và huyện Cần Giờ, tổ chức trại sáng tác tại tỉnh Phú Yên với sự tham gia của 80 nhà văn, nhà thơ và đã có nhiều sáng tác có chất lượng từ 3 chuyến đi này.
Đặc biệt, vào thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội, Hội Nhà văn thành phố đã tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” thu hút gần 700 tác giả với 1.500 bài thơ ở khắp mọi miền đất nước và tác giả ở nước ngoài tham gia cuộc thi. Trong đó, có những tác giả đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, góp phần lan tỏa yêu thương, chia sẻ mất mát, khích lệ tinh thần tương thân, tương ái chống chọi và vượt qua đại dịch.
Trước khi đại dịch bùng phát, Hội Nhà văn thành phố đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm về tác phẩm của hội viên: Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm với truyện ký “Trần Hữu Nghiệp, đời là kẻ sĩ”; Trình Quang Phú với “Từ Làng sen tới Bến Nhà Rồng”; tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà văn Trần Hoài Dương và phối hợp với Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh giới thiệu quyển sách “ Đường 1C huyền thoại” của nhà văn Trầm Hương…
Trong thời gian dịch bùng phát, đội ngũ nhà văn thành phố đã không đứng ngoài cuộc. Nhiều nhà văn đã tích cực tham gia nhiều công tác thiện nguyện, đóng góp và vận động bạn viết, bạn đọc đóng góp hàng chục tấn gạo và hàng trăm tấn thực phẩm và nhu yếu phẩm, hàng trăm triệu đồng hỗ trợ người nghèo, y bác sĩ ở tuyến đồng chống dịch.
Dịp này, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã trao giải thưởng văn học năm 2021 cho tiểu thuyết “Nghiệp chướng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của tác giả Lưu Vĩ Lân. Giải cống hiến được trao cho tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố tác giả Lê Văn Nghĩa (Nhà xuất bản Trẻ) và “Đoàn Vị Thượng thơ” của cố tác giả Đoàn Vị Thượng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Hội Nhà văn thành phố còn trao Giải thưởng văn học trẻ cho tập thơ “Ở đậu trong nhau” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của Tác giả Khét (Trần Đức Tín). Truyện dài “Cà nóng chu du Trường Sa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) của tác giả Bùi Tiểu Quyên được trao Giải thưởng văn học thiếu nhi.
Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng tặng thưởng cho các tác phẩm: Tập thơ “Hai phía đời sông” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của tác giả Nguyễn Vĩnh Bảo; tiểu thuyết “Chiều bình yên” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) của tác giả Nguyễn Ngọc Mộc; tập truyện ngắn “Sự đành hanh của số phận” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của tác giả Hoàng Phương Nhâm và tập Tiểu luận, phê bình “Sóng đồng và cây núi” (Nhà xuất bản Văn hóa- văn nghệ, nay là Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của tác giả Lê Quang Trang.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã kết nạp thêm 16 hội viên mới ở các chuyên ngành thơ, văn xuôi và văn học dịch.