Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam chín tháng năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong chín tháng năm 2020 là 2,12%, mức thấp nhất của chín tháng các năm giai đoạn 2011 - 2020.
Mặc dù vậy, thị trường TPCP chín tháng năm 2020 vẫn có sự phát triển ổn định trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Đánh giá cao những kết quả tích cực của thị trường TPCP, Phó Chủ tịch UBCKNN mong muốn, “tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường TPCP từ cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, tổ chức thị trường và các thành viên cùng nhìn nhận, trao đổi về những đã làm được và chưa được trong thời gian qua, và cùng chung vai, góp sức vì sự phát triển chung của thị trường trái phiếu Việt Nam.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, công tác đấu thầu TPCP 10 tháng năm 2020 của KBNN chịu nhiều ảnh hưởng của các biến động kinh tế trong và ngoài nước.
Trong nước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, tác động mạnh đến thu chi ngân sách nhà nước (NSNN). Chính phủ đã thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh; giãn, hoãn thuế đồng thời đẩy mạnh chi an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công, tạo đà tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu vốn cho cân đối NSNN tăng cao.
Trong khi đó, thị trường tài chính và tiền tệ biến động mạnh nửa đầu năm, ở một số thời điểm đầu năm thị trường thanh khoản kém, KBNN không huy động được vốn.
Nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính, gồm: thanh khoản thị trường dồi dào (NHNN giảm lãi suất điều hành và bơm khối lượng lớn tiền đồng ra thị trường, tăng trưởng tín dụng chậm) và khối lượng TPCP đáo hạn lớn tạo nguồn tái đầu tư nên thị trường TPCP nên công tác huy động vốn cho NSNN vẫn đạt kết quả tốt. Chỉ trong 10 tháng năm 2020, KBNN đã huy động được 260.116 tỷ đồng TPCP, tăng 17,8% so với cả năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Trên thị trường thứ cấp, HNX tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng của thị trường cả về quy mô và thanh khoản. Quy mô niêm yết TPCP đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so năm 2019, GTGD bình quân phiên đạt hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so năm 2019.
Tỷ trọng giao dịch Repo giảm đáng kể so năm 2019, đạt dưới 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường này với hơn 3.000 tỷ đồng,
Năm 2021, KBNN sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện năm 2020 nhằm huy động vốn bảo đảm cân đối NSNN. Kỳ hạn danh mục bình quân sẽ được duy trì ở mức 7-8 năm theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030. KBNN sẽ tập trung phát hành TPCP trả lãi cuối kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu long/short coupon.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục thực hiện phát hành bổ sung vào các mã TPCP đang lưu hành để tăng quy mô, giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000 - 18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu, hướng tới 1 tỷ USD; tiếp tục thực hiện hoán đổi TPCP nhằm giảm đỉnh nợ, giảm rủi ro thanh khoản cho NSNN, giảm mã nhỏ lẻ, tăng thanh khoản cho TPCP...
KBNN đang hoàn thiện, trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP, dự kiến thực hiện từ đầu năm 2021.
Về phía HNX, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX Nguyễn Như Quỳnh cho biết, HNX sẽ triển khai nghiệp vụ đấu thầu mua lại, hoán đổi trái phiếu, phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi và nghiệp vụ phát hành trái phiếu bảo đảm thanh khoản cho các PD (nhà tạo lập thị trường) theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP và Thông tư 111/2018/TT-BTC.
Trên thị trường thứ cấp, HNX sẽ hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống giao dịch TPCP để hỗ trợ các hoạt động giao dịch, trong đó ưu tiên hoàn thành các hoạt động kết nối thanh toán với hạ tầng thanh toán mới của VSD; tiếp tục điều chỉnh hệ thống trái phiếu theo Nghị định 95 và Thông tư 111, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai giao dịch SBB (bán kết hợp mua lại trái phiếu) và SBL (vay trái phiếu); nghiên cứu hình thức giao dịch khớp lệnh theo Lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2030 tại Quyết định 1191/QĐ-TTg trên cơ sở các thông tư hướng dẫn của BTC.
Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) Dương Văn Thanh cho biết, trong năm 2021, VSD sẽ chuẩn bị sẵn sàng hệ thống và pháp lý, đáp ứng bù trừ và thanh toán cho các giao dịch của sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán TPCP theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn hơn nữa thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết và giao dịch trái phiếu; triển khai các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030 theo Quyết định 1191/QĐ-TTg.
Tại hội nghị, KBNN, HNX, VSD và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã cùng nhau ký kết Biên bản thỏa thuận, phối hợp thực hiện đấu thầu, niêm yết, đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do NHCSXH phát hành.
Thỏa thuận nhằm thúc đẩy và hỗ trợ tổ chức phát hành là NHCSXH trong công tác phát hành TPCP, mục tiêu là tăng khối lượng phát hành, tạo thêm nguồn cung, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường trái phiếu.
Thị trường TPCP 10 tháng đầu năm 2020
Trên thị trường sơ cấp, KBNN đã huy động được 260.116 tỷ đồng TPCP, tăng 17,8% so cả năm 2019, đến nay đã đạt 100% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,25 năm, giảm nhẹ so năm 2019; lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so năm 2019, đặc biệt trong tháng 3 và tháng 9, lãi suất chạm đáy 10 năm trở lại đây; lãi suất phát hành bình quân đạt 2,92%/năm, giảm 37% so năm 2019; cơ cấu nhà đầu tư cho thấy khối bảo hiểm chiếm đến 54%, còn lại là khối NHTM và các công ty tài chính, quỹ đầu tư.
Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so năm 2019, kỳ hạn niêm yết bình quân được kéo dài tới 8,93 năm, tăng 8% so với năm 2019; GTGD bình quân phiên 10 tháng đầu năm 2020 tiếp tục xu hướng tăng, đạt hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so năm 2019; giao dịch NĐT nước ngoài tuy có xu hướng giảm từ năm 2019 đến hiện tại, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2020, khối ngoại có xu hướng mua ròng (hơn 3.000 tỷ đồng). Tỷ trọng giao dịch Repo có xu hướng giảm kể từ năm 2018, đạt dưới 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Về cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp, NHTM vẫn là chủ thể giao dịch chính, chiếm tỷ trọng 82,5% tổng GTGD toàn thị trường, khối Bảo hiểm có xu hướng tham gia ít đi, tỷ trọng giao dịch hiện đang chiếm 2.74% tổng GTGD toàn thị trường.