Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, một cuộc tổng tiến công và nổi dậy với sức mạnh vũ bão, chiến công rạng rỡ chưa từng có của dân tộc ta suốt 30 năm chiến tranh chống xâm lược. Ðó là thắng lợi của một cuộc chiến tranh tổng lực trên cả ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.
Cuộc đàm phán Paris và Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc ta thời đại Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam Việt Nam.
Một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 28-1-1973, trong lời kêu gọi của mình, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khẳng định: "Với việc hiệp định được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang."
Gần hai năm sau, tháng 10-1974, tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về chiến lược giải phóng miền nam, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn phân tích:
Ý đồ chiến lược của ta khi ký Hiệp định Paris là gì?
Tuy nói đế quốc Mỹ phải ra vì thua, vì yếu, nhưng ta biết rằng, đế quốc Mỹ vẫn còn tiềm lực lớn và nhiều mưu đồ độc ác. Ta không bao giờ chủ quan mà cho rằng chúng đã "sức tàn lực kiệt". Ta tuy thắng liên tiếp và đã mạnh lên, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Ðến lúc này, sự viện trợ của phe ta không phải đầy đủ và kịp thời như ta mong muốn... Trong hoàn cảnh đó ta phải tạo ra một thế đi lên vững nhất, một thế thắng chắc nhất. Chính vì lẽ đó mà ta ký Hiệp định Paris. Ðối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Paris không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát tiến tới thành lập Chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang nam bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn liền với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững. Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch... (1).
Trở lại cuộc đàm phán Paris và Hiệp định đã ký kết, chúng ta thấy gì?
Như mọi người đều biết, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20; là cuộc đối thoại giữa hai lực lượng đối đầu trên chiến trường không cân sức nhau về nhiều mặt; là tâm điểm cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao, nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ nhưng được kế thừa một truyền thống đấu tranh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ðây là cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược mà ta thường gọi tắt là đấu chí, đấu trí, đấu lý và đấu mưu. Mưu lược không chỉ trong phương hướng, chủ trương, bước đi hay trong các đòn tiến công hoặc thăm dò ngoại giao mà cả trong từng lời tuyên bố chính trị, từng động tác tuyên truyền vận động dư luận, nhiều khi "ăn miếng trả miếng".
Tại cuộc đàm phán Paris, các đoàn đại biểu của ta, Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ðoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng, tiếp đó là Ðoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã vận dụng một cách cực kỳ khôn khéo sách lược "Tuy hai mà một, tuy một mà hai". Ðây là một sách lược ngoại giao lớn, chỉ rõ nét đặc thù và mối quan hệ phân công và phối hợp giữa ngoại giao miền bắc và ngoại giao miền nam trong nền ngoại giao Việt Nam nói chung thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sách lược đó nhằm đề cao vị trí, vai trò và tính độc lập của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời, tập hợp thêm lực lượng và các xu hướng khác nhau ở trong nước và trên thế giới. Sách lược ngoại giao ấy về thời gian được vận dụng trước, trong và cả sau Hội nghị Paris; về không gian, không chỉ thể hiện tại bàn đàm phán Paris mà cả trên nhiều diễn đàn khác, ở nhiều địa bàn quốc gia và dân tộc, nhiều tổ chức chính trị, xã hội quốc tế có quan hệ với vấn đề Việt Nam. Người đề xướng sách lược ngoại giao tài ba ấy không ai khác là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm; ngày 16-3-1966, Người chỉ rõ: "Bây giờ, ngoại giao của ta vừa là một mà lại là hai, vừa là hai mà lại là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Hai cái vừa là hai mà lại vừa là một, vừa là một mà lại vừa là hai. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau" (2).
Tại cuộc đàm phán Paris, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo lời dạy đó của Bác Hồ.
Tuy phải chấp nhận Hội nghị bốn bên, đối phương vẫn tìm mọi thủ đoạn để hạ thấp vai trò của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời. Ðoàn Mỹ luôn luôn né tránh việc nói chuyện trực tiếp với Ðoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời, đòi tách riêng các vấn đề quân sự với các vấn đề chính trị trong một giải pháp toàn bộ, tức là vừa đòi hai bên cùng rút quân, vừa lẩn tránh vấn đề phải từ bỏ chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn thì ngạo mạn tuyên bố chỉ công nhận Mặt trận như "một thực tế chứ không phải một thực thể" (!). Ðáp lại, trong tư thế đại diện chân chính của miền nam chiến đấu, Ðoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời đã mạnh mẽ tố cáo và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân ra khỏi miền nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do họ lập ra. Ðoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong cương vị người chủ của nước Việt Nam độc lập, người đang cùng Mặt trận, Chính phủ cách mạng lâm thời và nhân dân cả nước chống xâm lược, vừa đưa ra lập trường riêng của mình, vừa ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời. Trước mắt thế giới, không ai không nhận thấy rằng lập trường và các kiến nghị về giải pháp do hai đoàn miền bắc và miền nam đưa ra tại Hội nghị từ lúc mở đầu đến khi kết thúc đều có chung một tiếng nói. Song cũng không ai không nhận thấy rằng đó là lập trường và kiến nghị về giải pháp của hai đại diện của nhân dân Việt Nam có vị trí khác nhau.
Có thể nói, trong các cuộc họp công khai của Hội nghị, hầu hết các sáng kiến về giải pháp đều do Ðoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời đưa ra và được Ðoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ủng hộ: Giải pháp toàn bộ mười điểm ngày 8-5-1969, Tuyên bố tám điểm nói rõ thêm về giải pháp cho vấn đề Việt Nam ngày 14-9-1970, Tuyên bố bảy điểm ngày 1-7-1971 và tiếp theo là Tuyên bố hai điểm nói rõ thêm tháng 2-1972. Những tuyên bố về giải pháp này đều do Ðoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời nêu ra, nhưng được phía Mỹ đặc biệt lưu tâm, bởi họ hiểu phía sau các đề nghị đó là Việt Nam Dân chủ cộng hòa và họ có những phản đề nghị, thí dụ như Kế hoạch tám điểm của Tổng thống Nixon ngày 14-5-1969 hay tuyên bố của ông ta ngày 8-6-1969 về Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và việc rút đợt đầu 25 nghìn quân Mỹ. Ðến giai đoạn đàm phán thực chất, trong các cuộc nói chuyện riêng với Mỹ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đưa ra những đề nghị có ý nghĩa then chốt. Như đề nghị chín điểm ngày 26-6-1971, sau đó được Ðoàn Chính phủ cách mạng lâm thời đưa ra công khai tại Hội nghị bốn bên thành Tuyên bố bảy điểm ngày 1-7-1971 về thời hạn rút hết quân Mỹ và thả tù binh, thành lập ở Sài Gòn một chính phủ không có Thiệu để nói chuyện với Chính phủ cách mạng lâm thời. Cũng trong cuộc gặp riêng tại Paris, ngày 8-10-1972, Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã trao cho phía Mỹ dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, sau này trở thành Hiệp định chính thức được ký tại Paris ngày 27-1-1973, mặc dù để đi đến việc ký kết đó còn phải trải qua thêm 4 tháng chiến tranh ác liệt và Mỹ bị giáng một đòn chết điếng trong trận "Ðiện Biên Phủ trên không" của ta.
Như vậy, tại cuộc đàm phán Paris, hai đoàn của ta đã thực hiện một cách xuất sắc vai trò và vị trí của mình. Ở đây, đã có sự phân công và phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai đoàn trong toàn bộ quá trình đàm phán, từ việc xác định đấu pháp cho từng thời kỳ, từng phiên họp cho đến việc đưa ra sáng kiến về giải pháp tại diễn đàn công khai hay tại các cuộc gặp riêng; từ các bài phát biểu của các trưởng đoàn ta trong Hội nghị cho đến việc tranh thủ dư luận trong các cuộc họp báo của những người phát ngôn; từ các hoạt động đàm phán của hai đoàn tại Paris cho đến những hoạt động ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân trên nhiều địa bàn, nhiều nước và nhiều diễn đàn khác nhau. Ðáng nói nhất là trong hoạt động phong phú của mình, cả hai đoàn đàm phán của ta đều chịu sự lãnh đạo từ một trung tâm - Bộ Chính trị và Ban Bí thư - trực tiếp tại chỗ là các đồng chí Lê Ðức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị và Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Ðảng.
Sau Hội nghị Paris về Việt Nam, nhất là sau khi nước nhà thống nhất, có người ví ngoại giao Việt Nam "tuy hai mà một, tuy một mà hai", như một vở diễn hoàn hảo, hoàn hảo đến mức cả thế giới đều không nhận ra là mình đang chứng kiến một vở diễn. Thực ra, câu chuyện có vẻ huyền thoại mà chúng ta nói đây lại là một thực tế lịch sử.
Thực tế lịch sử ấy bắt nguồn từ một nước vốn là một, một nước độc lập, thống nhất sau Cách mạng Tháng Tám nhưng đã bị tạm chia cắt thành hai miền từ Hiệp định Geneva 1954.
Vì vậy mà trong cuộc chiến đấu chung của dân tộc, cùng trên một nước lại có hai nhà nước ở hai miền. Cùng một mục tiêu chung mà có hai cuộc cách mạng. Cùng một ngọn cờ lãnh đạo mà lại có Ðảng Lao động Việt Nam và Ðảng Nhân dân cách mạng miền nam. Cùng một mặt trận dân tộc thống nhất nhưng vừa có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại vừa có Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam. Cùng một lực lượng vũ trang cách mạng nhưng bên cạnh Quân đội nhân dân Việt Nam lại có Quân giải phóng miền nam. Chính cái "hai mà một, một mà hai" gốc rễ ấy đã sản sinh ra một nền ngoại giao một cây hai nhánh, một cội hai cành như chúng ta đã thấy.
Sách lược về nền ngoại giao "tuy hai mà một, tuy một mà hai" thoạt đầu được coi là một bí mật quốc gia, nhưng trải qua những năm tháng thể nghiệm thắng lợi, khi điều bí mật ấy được nói công khai thì mọi người lại coi đó là cái tất nhiên, cái phải như vậy, và chỉ có như vậy mới là con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, mưu lược Việt Nam.
----------------
(1) Văn kiện Ðảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tập 35, trang 176.
(2) Hồ sơ Bộ Ngoại giao.