Hội nghị Paris về Việt Nam - trang sử vàng của ngoại giao Việt Nam

NDO - Cách đây đúng 35 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris.
Quang cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. (Nguồn: TTXVN)
Quang cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta, là đỉnh cao và là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh hết sức gay go, quyết liệt nhưng cũng rất hào hùng của nhân dân ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và của Bác Hồ kính yêu. Trong nền ngoại giao Việt Nam, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, phát huy cao độ nghệ thuật ngoại giao Việt Nam kết tinh từ lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.

Hội nghị Paris là cuộc đấu tranh kiên cường vì các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Hiệp định là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản ấy, trong đó Mỹ buộc phảicam kết "tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", điều mà họ đã cố tình lẩn tránh ở Hiệp định Genève năm 1954. Vì các quyền dân tộc thiêng liêng, dân tộc ta đã quyết hy sinh phấn đấu suốt bốn nghìn năm lịch sử. Và do đó, thắng lợi của Hội nghị Paris cũng còn là sự tiếp nối của truyền thống, thể hiện ý chí sắt đá của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm gìn giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của cha ông.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược "đánh cho Mỹ cút". Buộc Mỹ phải rút hết trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để toàn quân, toàn dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào". Hiệp định Paris còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giang sơn thu về một mối.

Ðối với nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta và thắng lợi của Hội nghị Paris một lần nữa khẳng định chân lý: một dân tộc quyết hy sinh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định sẽ giành được tự do độc lập như Bác Hồ kính yêu đã long trọng công bố trong Tuyên ngôn Ðộc lập. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã minh chứng hùng hồn cho chân lý đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh của mình. Cũng chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập tự do, hòa bình và công lý.

35 năm đã trôi qua kể từ khi Hiệp định được ký kết, thế giới quanh ta đã biết bao thay đổi. Từ thắng lợi của Hội nghị Paris, dân tộc ta đã tiến những bước dài trên con đường độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước phồn vinh, bảo vệ vững chắc giang sơn gấm vóc của cha ông. Từ đổ nát của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc, chúng ta đã quật cường đứng dậy, từng bước dựng xây đất nước "hơn mười lần" như Di chúc của Bác Hồ kính yêu và ước vọng ngàn đời của biết bao thế hệ người Việt Nam ta. 35 năm đã trôi qua, thế và lực của đất nước đã đổi thay, chúng ta đã phá bỏ bao vây cấm vận, mở cửa hội nhập vào khu vực và thế giới, Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế lớn, đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

35 năm đã qua, những bài học rút ra từ Hội nghị Paris vẫn còn nguyên giá trị.

Bài học thứ nhất và lớn nhất: Sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh và quyết đoán của Ðảng ta và minh triết Hồ Chí Minh về thời cơ, chiến lược và sách lược luôn luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Ðảng ta, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu, đã chỉ đạo sát sao từ chiến lược buộc Mỹ phải đi vào đàm phán đến những bước tiến công ngoại giao trong suốt quá trình Hội nghị, sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau giữa ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, giữa trong và ngoài nước, giữa Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ðoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam...

Sự sáng suốt, bản lĩnh và quyết đoán của Ðảng đã nhân sức mạnh của dân tộc ta lên bội phần, dẫn dắt mặt trận ngoại giao tại Paris đập tan mọi mưu đồ xảo quyệt của đối phương, liên tục chủ động tiến công, giữ vững mục tiêu, kiên định lập trường nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược. Chính H.Kisinger, nhà đàm phán lọc lõi của Mỹ, trong Giác thư "Những bài học Việt Nam" gửi Tổng thống G.Pho năm 1974 đã phải thừa nhận: quá trình đàm phán Paris đã làm nền ngoại giao Mỹ bị tổn thương; Mỹ đã không thể giữ vững được lập trường ngoại giao của mình chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng; trong khi đó "Bắc Việt Nam không hề thay đổi các mục tiêu ngoại giao mà chỉ thay đổi không đáng kể lập trường ngoại giao của họ."

Thứ hai, độc lập, tự chủ là con đường duy nhất đúng trong xử lý các vấn đề đối ngoại. Hội nghị Paris đã minh chứng hùng hồn rằng, chỉ có giữ vững độc lập, tự chủ trong quyết định chiến lược, sách lược, ta mới có thể chủ động tiến công, chủ động tạo thời cơ và có quyết sách tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích dân tộc. Giữ vững độc lập tự chủ trong suốt quá trình đàm phán, chúng ta đã vượt qua được những phức tạp của tình hình quốc tế, vững vàng tư thế chính nghĩa, kiên định mục tiêu cuối cùng. Ðộc lập, tự chủ là cẩm nang giúp ta xử lý thành công quan hệ với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ ngày càng sâu rộng của bạn bè, đồng minh.

Thứ ba, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa các binh chủng hợp thành của thế trận chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thành công của Hội nghị Paris. Thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự là cơ sở và tạo thế cho các bước tiến công trên mặt trận ngoại giao. Về phần mình, ngoại giao đã phát huy cao độ thắng lợi trên chiến trường, đồng thời tạo thế mới cho các bước tiến xa hơn trên mặt trận chính trị, quân sự. Chính sự phối hợp nhịp nhàng ấy đã làm cho sức mạnh tổng hợp của chúng ta tăng lên gấp bội. Cũng chính sự phối hợp ấy đã làm cơ sở cho chúng ta chủ động tạo và giành lấy thời cơ đưa cách mạng không ngừng tiến lên.

Thứ tư, tranh thủ được dư luận và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi. Chỉ có tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, ta mới kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, mới đủ sức đương đầu với các thách thức lớn. Chúng ta đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, tranh thủ báo chí, truyền thông, chúng ta đã làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng, hiểu rõ thiện chí hòa bình của chúng ta, những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, lật lọng của đối phương.

Cùng với các hoạt động chung, nhất là phong trào đấu tranh của nhân dân khắp các tỉnh và thành phố ở miền nam, các hoạt động đấu tranh dư luận, tranh thủ dư luận tại Hội nghị Paris đã góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn, chống Mỹ xâm lược, ủng hộ Việt Nam. Việt Nam trở thành biểu tượng của "lương tri thời đại" và "phẩm giá con người".

Qua đấu tranh và tranh thủ dư luận, ta "đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ", tác động trực tiếp vào nội bộ Mỹ, góp phần tạo nên phong trào phản chiến rộng lớn khắp nước Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh.

Thứ năm, ngoại giao là một mặt trận, chủ động, sáng tạo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðảng ta đã giao nhiệm vụ, lãnh đạo và chỉ đạo sát sao để ngoại giao trở thành một mặt trận chiến lược, một mũi tiến công, cùng với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự tạo nên sức mạnh tổng hợp, giành chiến thắng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) tháng 12-1967 nêu rõ: "Ðấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động." (1) Ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Hội nghị Paris thật sự đã trở thành một mặt trận chiến lược, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp của dân tộc. Phối hợp tài tình với mặt trận chính trị, quân sự, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, của Bác, được sự hậu thuẫn của toàn dân tộc, mặt trận ngoại giao đã chủ động tiến công, tận dụng tối đa các thế mạnh đặc thù của mình để phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc trong sự kết hợp hài hòa với sức mạnh của thời đại.

Trong sự nghiệp của chúng ta hôm nay, chúng ta cần vận dụng nhuần nhuyễn những bài học trên đây vào quá trình hội nhập sâu hơn, hiệu quả hơn vào kinh tế khu vực và quốc tế. Trong cuộc cạnh tranh và thi đua toàn cầu để dân tộc ta "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu, sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng luôn là nhân tố quyết định nhất.

Trước thách thức khắc nghiệt của thời cuộc, giữ vững độc lập tự chủ trong chiến lược, sách lược đối ngoại tiếp tục là "cây gậy thần" để chúng ta ứng phó hiệu quả trong mọi mối quan hệ với bên ngoài. Kế tục và phát huy truyền thống của ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao thời kỳ hội nhập và phát triển phải tiếp tục là một "mặt trận", một mũi chiến lược, góp phần quan trọng đưa đất nước vào vị thế có lợi nhất trong liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc của ông cha.

Kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn sự hy sinh của biết bao đồng bào và chiến sĩ cả nước, những người đã làm nên lịch sử vẻ vang cho non sông đất nước ta. Chúng ta biết ơn Ðảng và Bác Hồ vĩ đại, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng. Chúng ta biết ơn các thế hệ cha anh đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris, biết ơn chiến sĩ và đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đã cống hiến cho thắng lợi cuối cùng của Hội nghị.

Kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta thêm tin tưởng vào con đường đi tới của dân tộc, quyết tâm phát huy tinh thần Hội nghị Paris, làm cho các bài học và di sản của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris sống mãi trên con đường thực hiện thành công các nhiệm vụ đối ngoại mà Ðại hội Ðảng lần thứ X đã đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

------------------------------

(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (khóa III) tháng 12-1967, trong cuốn Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam (Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2004), trang 510.