32 năm ký Hiệp định Paris (27-1-1973 - 27-1-2005):

Hội nghị Paris và ba cú thôi sơn

Vợ chồng ông Võ Văn Sung tiếp bạn bè tại nhà.
Vợ chồng ông Võ Văn Sung tiếp bạn bè tại nhà.

- Xin chúc ông vui, khoẻ, trường thọ! Sau 32 năm ký Hiệp đinh Paris, ông là người duy nhất của đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa còn đến hôm nay. Ông có thể cho biết những sự kiện chính dẫn tới việc ông được cử tham gia Đoàn.

- Tháng 3-1968, sau khi Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 20 trở ra và yêu cầu đàm phán Việt - Mỹ, tôi đang là Phó vụ trưởng Vụ châu Âu Bộ Ngoại giao.

Chính phủ ta sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng ngồi họp ở đâu là vấn đề lo tính của cả hai phía. Lúc đầu ta đưa ra hai địa điểm Warsaw (Ba Lan) và Phnom Penh (Cam-pu-chia), họ không chịu. Tôi đề xuất họp ở Paris, anh em trong Vụ bàn bạc đều nhất trí, coi là phương án tối ưu. Sau đó tôi biết một số đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đã tính đến phương án này, nên khi tờ trình của chúng tôi gửi lên, được chấp nhận ngay. Tôi lại nhận nhiệm vụ trao đổi vấn đề này với Tổng đại diện Pháp tại Hà Nội trước khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố với thế giới. Chính phủ Pháp được tin, rất vui, liền công bố nhất trí đăng cai Hội nghị.

Trong khi Mỹ chưa có ý kiến chính thức, nghe Pháp thông báo cũng bị động nhưng sau đó đồng ý với đề nghị của ta. Lúc đó, tôi được điều về Vụ Bắc- Mỹ 2. Vụ này thực chất là cơ quan tham mưu giúp việc cho cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ trên bàn Hội nghị Paris.

Ngày 25-1 -1 969 họp phiên thứ nhất của bốn bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Mỹ, Việt Nam Cộng hòa. Những cuộc họp này vẫn chỉ bàn về thủ tục, nguyên tắc, chưa đi vào thực chất vì tức lượng quân sự của ta trên chiến trường chưa đủ mạnh.

Cuối năm 1970, đồng chí Lê Đức Thọ nói với tôi: ông qua Pháp với tôi, sắp có chuyển biến lớn trên chiến trường, cuộc họp khẩn trương bàn vào thực chất, dứt điểm! Thế là tôi được cử làm Tổng đại diện Chính phủ VNDCCH tại Pháp nhưng thực chất là thành viên chính thức của Đoàn đại biểu Chính phủ ta đàm phán tại Paris.

- Thắng lợi của Hội nghị Paris là sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận chính tri, quân sự, ngoại giao của Đảng ta. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự phối hợp này?

- Tôi coi đây không chỉ là sự phối hợp mà là một sáng tạo đặc biệt của Đảng ta, cần đúc kết những kinh nghiệm quý báu, nâng lên thành nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao. Trong lịch sử thế giới, vừa đánh vừa đàm đã có nhiều nhưng thường xảy ra là nước mạnh hơn đánh nước nhỏ yếu hơn rồi đàm để bắt buộc nước yếu đầu hàng, chấm dứt chiến tranh: hoặc hai bên ngang thế lực, không phân thắng bại, phải đàm để hoãn binh chi kế". Còn đánh và đàm như ở Hội nghị Paris thì chưa từng có trên thế giới. Việt Nam - một nước nhỏ chống lại nước lớn mạnh hơn mình nhiều lần mà ngồi vào bàn đàm phán lại luôn ở thế không lép vế và cuối cùng đưa đến ký kết hội nghị giành phần thắng về mình, buộc nước lớn phải rút quân không điều kiện.

Tôi muốn nói rõ hơn cái nét đặc biệt trong mối quan hệ quân sự, chính trị, ngoại giao ở hội nghị Paris. Thường thì "cái gì không giành được trên chiến trường thì cũng không giành được trên bàn hội nghị". Nghĩa là quân sự luôn là quả đấm quyết định trên bàn đàm phán. Thực tế (đàm phán thể hiện rất đa dạng, độc đáo mối quan hệ này. Mặt trận ngoại giao không chỉ phản ánh cục diện chiến trường mà còn phát huy thắng lợi của quân sự và, tạo thêm thế và lực cho quân sự, làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường. Bằng đấu tranh ngoại giao chúng ta tạo cho nhân dân Mỹ và thế giới biết rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây nên ở Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp buộc Mỹ phải rút quân. Bởi vậy, trên bàn đàm phán, cứ vài tháng lại xuất hiện tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc rút quân nhỏ giọt trên chiến trường Việt Nam nhằm trấn an dư luận Mỹ và thế giới. Nhờ vậy, chúng ta đã từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng quân Mỹ trên chiến trường, có lợi cho ta.

Chúng ta có ba quả đấm: Quân sự, chính trị, ngoại giao, nhưng sử dụng từng quả đấm ở những thời điểm thích hợp và hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Trên nền tảng đấu tranh chính trị và quân sư. ta đã buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Khi thắng trận "Điện Biên Phủ trên không", ta đã dùng quả đấm quân sự quyết định, buộc Mỹ ký Hiệp định Paris. Khi ký rồi, quả đấm ngoại giao và chính trị lại phát huy tác dụng, đòi chúng thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Theo ông tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình đàm phán là gì?

- Là tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Đó chính là nghệ thuật trong đấu tranh ngoại giao của Đảng ta. Cái thuật trong đàm phán ở Paris là "vạn biến" nhưng cái "bất biến" là không thể rút lực lượng quân đội (từ phía bắc vào) ra khỏi miền nam và; phải bảo vệ cách mạng miền nam.

Trên bàn đàm phán, Mỹ-ngụy muốn duy trì ở miền nam một chính phủ và một lực lượng đối lập kiểm soát các vùng giải phóng. Chúng cố tình không thừa nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Nhưng qua đấu tranh khôn khéo của ta, cuối cùng buộc chúng phải chịu nhận: Hai chính quyền, hai vùng kiểm soát song song tồn tại.

Cái "vạn biến" của ta còn thể hiện ở chỗ: Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuy hai mà một, nhưng có lúc tuy một mà hai. Nếu chúng ta thể hiện quá rõ mối quan hệ này đều bất lợi. Cái tài của Đảng ta là thể hiện dưới dạng nào, vào lúc nào? Ông Phạm Văn Ba danh nghĩa là đại diện phái đoàn thường trực của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng thực chất ông là Phó bí thư, tôi là Bí thư Ban cán sự chỉ đạo phong trào Việt kiều ở nước ngoài. Hai đoàn của ta dù lập luận, đấu tranh như thế nào nhưng đều thể hiện rõ sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng ta-Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Có câu chữ nào trong Hiệp định mà ta phải đấu tranh gay gắt?

- Gay gắt nhất là câu đầu trong chương 1, điều 1 của Hiệp định. "Hoa Kỳ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...". Mỹ không chịu. Họ nói: Bỏ chữ "thống nhất" đi. Chúng tôi không thể tôn trọng cái mà Việt Nam chưa có. Ta đành chấp nhận, lùi một bước. Chúng lại lập luận: Nếu nói "Hoa Kỳ phải tôn trọng..." thì hoá ra bấy lâu nay Hoa Kỳ vi phạm, giống như bản án với Hoa Kỳ? Đề nghị viết là: "Các bên tham gia Hội nghị tôn trọng...". Ta phản ứng ngay: Chẳng lẽ lại yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng Việt Nam... Và cuối cùng các bên chấp nhận là: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng..." nhưng Mỹ đề nghị đưa điều này xuống chương 4. Ta lập luận: "Tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề nguyên tắc, là nền tảng của Hiệp đinh, phải để ở chương 1". Họ đuối lý, không thể nói khác được.

Sau khi ký, Kissinger thăm Việt Nam. Nhìn dòng chữ "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư..." trong bảo tàng tại Hà Nội, Kissinger hài hước nói: "Hình như tôi nghe câu này ở đâu rồi? À, điều 1, chương 1 Hiệp định Paris...". Đến khi nghe giới thiệu về những cọc gỗ Bạch Đằng, nghe chuyện Ngô Quyền đánh quân Nam Hán một trận, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông 2 trận, Kissinger chăm chú nghe, tỏ vẻ khâm phục. Đồng chí Lê Đức Thọ hỏi nhỏ: "Mỹ có định đánh Việt Nam ba lần không?" Kissinger vội chắp hai tay nói nhanh: "Thôi thôi, tôi xin ông, một lần quá đủ rồi!".

- Xin cảm ơn ông.