Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam

NDO -

NDĐT - Ngày 17-8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội nghị lần thứ 7, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam với chủ đề “vai trò của Quốc hội trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển.

Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam

Dự hội nghị có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc Hội; Ngài Chheang Vun, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia; Ngài Eksavang Vongvichit, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước CHDCND Lào.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thời gian qua có những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia luôn luôn đoàn kết, sát cánh, gắn bó bên nhau, chủ động phối hợp, tích cực hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước không ngừng phát triển ngày càng tốt đẹp.

Trên nền tảng vững chắc đó, sáng kiến khu vực Tam giác phát triển gồm các tỉnh có chung biên giới đã, đang và tiếp tục góp phần phát huy tích cực, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế riêng, bổ trợ lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia và nhìn rộng hơn bao gồm cả Cộng đồng ASEAN; Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ chế hợp tác ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong nhiều năm qua, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba Quốc hội một cách sâu sắc và thiết thực hơn.

Đặc biệt, Hội nghị lần này đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và là dịp nhìn lại, đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam; đồng thời là cơ hội các bên trao đổi, thảo luận, đưa ra những phương hướng nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội trong lập pháp, giám sát và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ ba nước. Các Ủy ban chính là cầu nối giữa Quốc hội tới các cơ quan Chính phủ và với người dân, thể hiện sinh động nguyện vọng và quyền lợi của người dân trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, những kết quả đạt được của cả ba nước trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam trong 20 năm qua là rất to lớn, đã đóng góp thiết thực, giúp các địa phương thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực. Mặc dù điểm xuất phát và quy mô kinh tế còn nhỏ, 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển đã rất nỗ lực hợp tác, đầu tư góp phần tái cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Hoạt động đầu tư vào khu vực tam giác phát triển ngày càng sôi động, đến nay các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư vào các tỉnh của Lào, Campuchia trong khu vực này là 116 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 3,6 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ủy ban đối ngoại Quốc hội của hai nước Campuchia và Lào đều khẳng định, trong thời gian qua, quan hệ giữa Quốc hội ba nước tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển tốt đẹp. Điều đó được thể hiện thông qua các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao của Quốc hội ba nước, các hội nghị luân phiên, định kỳ được tổ chức giữa các cơ quan của Quốc hội ba nước đã giúp thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung khu vực ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.

Đại diện Ủy ban Đối ngoại Quốc hội hai nước Campuchia và Lào cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển cũng còn nhiều vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa như kết nối cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, lao động kỹ năng còn hạn chế; nguồn lực thực hiện và các chính sách chưa nhất quán,cùng với đó là các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, chống buôn lậu và gian lận thương mại ở các tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Đây cũng là những vấn đề sẽ được ba nước thảo luận và cho ý kiến tại hội nghị lần này để đi đến tuyên bố chung giữa ba nước về các thỏa thuận hợp tác trong tam giác phát triển của ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.