Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đại diện cho các tỉnh, thành phố; các đồng chí đại diện các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các địa phương; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh.
Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu chính tại Tỉnh ủy Quảng Ninh với sự tham dự trực tiếp của đại diện lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố và 17 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố khu vực miền bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định: Hướng đến mục tiêu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách đất đai giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ phát triển bền vững đất nước, Ban Bí thư đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực.
Trong bối cảnh thời gian thực hiện công tác tổng kết Nghị quyết không dài, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết. Công tác tổng kết Nghị quyết đã được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết Nghị quyết cho thấy, nhiều vấn đề liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai còn có những ý kiến khác nhau, cần tiếp tục làm rõ. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm giải quyết các vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau, đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể, khả thi, phù hợp để hoàn thiện Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, các tỉnh, thành phố với thực tiễn phong phú, kinh nghiệm từ địa phương mình, đóng góp ý kiến vào 3 nhóm vấn đề chính hiện còn đang còn nhiều ý kiến khác nhau, cần được làm rõ, nhất là chỉ ra những những hạn chế và phân tích sâu về những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó, đề ra định hướng, giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến của các địa phương phát biểu tập trung vào các vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau; một số ý kiến phân tích các vấn đề tồn tại kéo dài có liên quan đến quản lý và sử dụng đất nhưng chưa được xử lý dứt điểm tại địa phương như vấn đề có liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất tại địa phương…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao tinh thần tích cực làm việc, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Hội nghị đã đi thẳng vào những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trên địa bàn các tỉnh, thành phố, giúp Ban Chỉ đạo hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn về quản lý, sử dụng đất đai và gợi mở những chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu bảo đảm nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, bền vững và thực sự là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện góp phần tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời yêu cầu tổ biên tập và các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị và các địa phương để tiếp tục hoàn thiện Đề án, bảo đảm chất lượng, tiến độ.