Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 do Ấn Ðộ tổ chức với tư cách là Chủ tịch G20, nhằm đưa ra những cải cách cho các ngân hàng phát triển đa phương, thiết lập các hướng dẫn toàn cầu về tiền điện tử và đẩy nhanh việc giải quyết nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương... Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm lu mờ các mục tiêu này, dẫn đến bất đồng giữa các quốc gia thành viên.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Ðộ, bắt đầu vào tháng 12/2022, đã phải đối mặt những thách thức trong việc đạt được đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 lần này là hội nghị thứ ba Ấn Ðộ tổ chức trong thời gian giữ chức Chủ tịch mà không thể đưa ra một tuyên bố chung.
Theo Ấn Ðộ, kết quả tích cực của Hội nghị là việc G20 đã đạt những bước tiến trong việc giải quyết các lỗ hổng nợ và củng cố ngân hàng phát triển đa phương. G20 đã ủy quyền cho một hội đồng độc lập đề xuất phương hướng cải cách cho các ngân hàng phát triển đa phương với trọng tâm là tăng cường tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Báo cáo của hội đồng cho biết, thế giới sẽ cần tăng đầu tư khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 cho các kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Tài chính Australia và người đồng cấp Trung Quốc đã có cuộc gặp bên lề hội nghị, trong bối cảnh quan hệ hai nước dần tan băng. Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Australia nhấn mạnh, hai bên có cuộc thảo luận hữu ích và đầy hứa hẹn, đồng thời khẳng định quan hệ hai nước đã đạt một số tiến triển tốt.