Tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Y tế thế giới, kéo dài từ ngày 24 đến 26/10 tại Berlin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến toàn thế giới gặp rủi ro. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ và các nhà sản xuất cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương, bởi đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch. Theo người đứng đầu WHO, mục tiêu của tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới này là có ít nhất 40% số người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay.
Tình trạng mất cân bằng về tiếp cận vaccine dẫn đến cảnh "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra" trên toàn cầu. Trong khi Mỹ, Israel, các nước châu Âu… đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí đang đẩy mạnh triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường, thì ngược lại, tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi lại ở mức rất thấp. Tính đến đầu tháng 10/2021, chỉ khoảng 2% dân số ở nhiều quốc gia tại "lục địa đen" được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về mức độ "phủ sóng" vaccine trên thế giới, sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo tạo thành những gam màu tương phản rõ rệt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý nêu trên. Các nước giàu có lợi thế lớn trong tiếp cận nguồn cung vaccine, bởi nhiều công ty dược lớn với những cơ sở sản xuất tiên tiến đều nằm tại các nước này. Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX cũng gặp khó khăn khi cạnh tranh về mặt tài chính với các nước lớn trong cuộc đua mua vaccine từ hãng dược phẩm. Cùng với đó, các nước dư thừa vaccine sắp hết hạn lại gặp khó khăn khi vận chuyển vaccine đến cho những nước nghèo hơn, do điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ trong quá trình vận chuyển, cũng như do thủ tục pháp lý phức tạp…
Người đứng đầu WHO từng cảnh báo, các nước giàu dù có sở hữu nhiều vaccine vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn", nếu như các nước nghèo còn đang vật lộn với dịch bệnh. Bởi vậy, chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng và sẻ chia, đặc biệt là trong sản xuất và phân phối vaccine, mới giúp cộng đồng quốc tế từng bước đẩy lùi kẻ thù chung Covid-19.