Hội nghị cấp cao G20: Vì tương lai bền vững

Con người, hành tinh và thịnh vượng là những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Italia. Cộng đồng quốc tế đang chật vật ứng phó đại dịch và khủng hoảng kinh tế, sự đồng thuận của G20 càng có ý nghĩa quan trọng, hướng tới xây dựng tương lai bền vững cho thế giới.

Hội nghị cấp cao G20: Thủ tướng Italy khẳng định thế giới đã có thể lạc quan hướng đến tương lai. Ảnh: TTXVN
Hội nghị cấp cao G20: Thủ tướng Italy khẳng định thế giới đã có thể lạc quan hướng đến tương lai. Ảnh: TTXVN

Phát biểu trước thềm Hội nghị cấp cao G20, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, thế giới đã đạt nhiều tiến bộ trong đối phó Covid-19, song những tổn thất nặng nề do dịch bệnh chưa dừng lại và “thực tế nghiệt ngã” cho thấy đây không phải là đại dịch cuối cùng. Nhấn mạnh “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” đang đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 suy nghĩ về thực trạng ba phần tư lượng vắc-xin hiện nằm trong tay các nước có thu nhập cao và trên trung bình.

Một nhóm gồm hơn 100 cựu lãnh đạo Liên hợp quốc và các nước đã gửi thư tới Thủ tướng Italia, nước giữ vai trò Chủ tịch G20, trong đó hối thúc các nước giàu chuyển giao khẩn cấp số vắc-xin dư thừa cho các nước nghèo. Các cựu lãnh đạo nhấn mạnh rằng, trong khi mỗi ngày trên thế giới có 10.000 người chết do Covid-19, việc tích trữ vắc-xin dư thừa là “hành vi thiếu trách nhiệm”.

Trong nỗ lực chung của thế giới ứng phó biến đổi khí hậu, G20 cũng có trách nhiệm lớn. G20 được coi là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow của Anh, diễn ra ngay sau Hội nghị cấp cao G20. Bởi, nhóm 20 quốc gia này chiếm 60% dân số, hơn 80% GDP của thế giới và cũng “góp” tới 80% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Ngay trước thềm các hội nghị, một loạt báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đồng loạt được công bố, trong đó phần lớn đều nhấn mạnh việc thiếu cam kết và hành động chung. Theo Liên hợp quốc, thực tế cho thấy hầu hết các bên tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đều không bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Liên hợp quốc kêu gọi đích danh G20, nhóm phát thải nhiều nhất, thể hiện trách nhiệm!

Thông điệp “không ai có thể an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn” không chỉ đúng trong cuộc chiến chống Covid-19, mà còn trong ứng phó hậu quả khôn lường từ biến đổi khí hậu. Trở ngại lớn nhất lúc này, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, là thiếu thiện chí phối hợp giữa các cường quốc. Thu hẹp dần khoảng cách về ý chí và hành động mới có thể giúp các nước cùng vượt qua thách thức và phát triển bền vững.