Dự hội nghị, có Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam; các đồng chí: bí thư hoặc phó bí thư thường trực, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, trưởng ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư.
Thay mặt Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự Ðại hội XII, đồng chí Tô Huy Rứa quán triệt, triển khai phương hướng công tác nhân sự và quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII. Ðồng chí nêu rõ, phương hướng công tác nhân sự đặt ra bốn yêu cầu: về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín, đoàn kết; về số lượng, cơ cấu; về tính kế thừa, phát triển; về nội dung, phương pháp giới thiệu, lựa chọn nhân sự. Về tiêu chuẩn Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phương hướng công tác nhân sự chỉ rõ, trước hết phải bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ, quy định trong Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; đồng thời nhấn mạnh ba nhóm tiêu chuẩn: về bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, sự trung thành với Ðảng, với dân tộc và nhân dân; về phẩm chất đạo đức cách mạng; về kiến thức, trí tuệ, năng lực, hiệu quả công tác,...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc chuẩn bị công tác nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội lần thứ XII của Ðảng là một trong hai nhiệm vụ rất quan trọng. Về văn kiện đại hội, các cấp ủy đảng đã, đang tiến hành khá kỹ lưỡng và cơ bản hoàn thành. Về công tác nhân sự, theo Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên rất quan tâm. Trên cơ sở đường lối, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ chính trị mà xem xét nhân sự. Phải đáp ứng được yêu cầu thực hiện đường lối ấy thì mới tham gia ban chấp hành các cấp. Còn tham gia Ban Chấp hành lại không chấp hành đường lối, nói ngược lại Cương lĩnh, Hiến pháp, chủ trương đường lối, quyết định của địa phương thì tham gia làm gì. Ðường lối nào cán bộ ấy. Ðường lối là cơ sở để quyết định công tác nhân sự, nhưng cán bộ lại là gốc, là người đề ra đường lối, sau khi có đường lối, cán bộ phải phục tùng đường lối. Ðây là quan hệ rất biện chứng. Tổng Bí thư cho rằng, công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự nói riêng là công tác về con người, liên quan đến đánh giá, nhận xét, vô cùng quan trọng và mỗi kỳ đại hội công tác nhân sự lại càng đặc biệt quan trọng, để chọn những người xứng đáng nhất vào cấp ủy. Do vậy, Trung ương, Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự Ðại hội XII đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, cẩn thận trình và tiếp thu ý kiến của Trung ương, đồng thời trên cơ sở tổng kết sáu kỳ đại hội từ Ðại hội VI, năm 1986 đến nay.
Tổng Bí thư lưu ý, từ khâu giới thiệu nhân sự đã có ý nghĩa quan trọng; ngay từ đầu, việc sàng lọc càng tốt càng bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn và có kết quả tốt. Chính vì thế, Bộ Chính trị quyết định tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc để triển khai thực hiện, thống nhất cao về các yêu cầu, mục đích, phương hướng, tiêu chuẩn, cơ cấu, cách làm. Ðồng chí đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa phương hướng công tác nhân sự, Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XII của Ðảng, các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, nắm chắc yêu cầu, tiêu chuẩn, cách làm để chủ động trong mọi tình hình. Mỗi cấp ủy địa phương, cơ quan làm tốt sẽ giúp Trung ương làm tốt công tác này. Tổng Bí thư mong các cấp ủy tổ chức quán triệt thật tốt nội dung phương hướng công tác nhân sự. Khi triển khai quán triệt phương hướng công tác nhân sự cần nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, nắm vững nguyên tắc, đặt lợi ích chung của Ðảng, của đất nước lên trên hết, trước hết; đừng vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ; phải trong sáng, công tâm, khách quan với mong muốn xây dựng cơ quan lãnh đạo ở các cấp, nhất là Ban Chấp hành T.Ư thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là một tập thể đoàn kết, thống nhất cao, đủ năng lực, trí tuệ, có mối quan hệ gắn bó với nhân dân, không dính vào lợi ích nhóm, không tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào các cơ quan ở địa phương, Trung ương những người có các khuyết điểm như: bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Ðảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc đảng,...
Theo Tổng Bí thư, công tác cán bộ khó nhất là có trong sáng, công tâm hay không; có quán triệt đúng yêu cầu, tiêu chuẩn hay không. Ðặc biệt là phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Ban Chấp hành T.Ư, cấp ủy các cấp phải thật sự là hạt nhân lãnh đạo chắc chắn, xứng đáng, nhất là trong tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay, trước những yêu cầu nhiệm vụ mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư mong các cấp ủy cần tập trung quán triệt nêu cao tinh thần trách nhiệm, dày công chuẩn bị, dành thời gian thích đáng cho công tác nhân sự. Ngoài việc nắm vững tiêu chuẩn, cần nắm chắc quy trình, phương pháp, cách thức tiến hành, việc nào làm trước, việc nào làm sau, không để xảy ra sai sót, vi phạm nguyên tắc của Ðảng. Nếu trong sáng, công tâm, khách quan, tin chắc công tác nhân sự sẽ thành công.