Hội nghị An ninh Munich: IEA cảnh báo nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông tới

Ngày 18/2, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol đã cảnh báo nguy cơ thiếu hụt năng lượng vào mùa đông tới, với tương đối ít khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất ra thị trường, trong khi mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng lên trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol. (Ảnh: euractiv.com)
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol. (Ảnh: euractiv.com)

Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich, ông Birol cho biết, năm ngoái các chính phủ châu Âu đã đưa ra nhiều quyết định đúng đắn để bảo đảm nguồn cung năng lượng, như xây thêm hạ tầng vận chuyển LNG để thay thế cho nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga.

Theo ông, họ đã rất may mắn khi mùa đông ít khắc nghiệt đã giúp giảm nhu cầu, trong khi kinh tế đi xuống tại Trung Quốc đã dẫn đến mức tiêu thụ lần đầu giảm trong 40 năm.

Giám đốc IEA cho biết dự kiến sẽ có thêm 23 tỷ m3 LNG xuất ra thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, dù sản lượng có tăng thêm khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được nới lỏng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiêu thụ tới 80% lượng khí đốt bổ sung.

Các nước sẽ có nguy cơ không nhập khẩu đủ khí đốt và trải qua mùa đông khó khăn, điều này sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng lên cao.

Trong khi đó, dù có tăng cường nỗ lực phát triển các mỏ khai thác khí đốt, cũng sẽ mất nhiều năm trước khi những mỏ này có thể đi vào vận hành.

Trước nguy cơ này, Giám đốc Birol cho rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp cần tiếp tục giảm tiêu thụ khí đốt, trong khi cần tăng nhanh hơn nữa sản lượng năng lượng tái tạo.

Ông cũng cảnh báo các nước đã quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân cần xem xét lại. Theo ông, việc Đức tạm thời gia hạn hoạt động của các nhà máy hạt nhân cho đến tháng 4 là một bước đi đúng hướng, bởi châu Âu cần tất cả nguồn năng lượng để có thể vượt qua mùa đông tới.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, giá năng lượng ở châu Âu ghi nhận các mức cao kỷ lục - vượt 300 euro/MWh điện trong tháng 8, trước khi đột ngột giảm do các chính phủ đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ.

Tuy nhiên, mức giảm nói trên vẫn chưa tác động được đến các hóa đơn năng lượng của hộ gia đình vì các nhà cung cấp đã mua sỉ nhiều tháng trước đó, khiến người tiêu dùng vẫn đang phải vật lộn để chi trả vì lạm phát tăng chóng mặt.

Một số chuyên gia phân tích dự báo phải mất nhiều năm nữa mới trở lại mức giá bình thường. Ông Fabian Skarboe Ronningen, chuyên gia phân tích thị trường tại Rystad Energy nhận định, châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào LNG trong năm 2023, vì đây là năm đầu tiên chứng kiến lượng nhập khẩu từ Nga rất thấp suốt cả năm.

Và nếu nhu cầu của châu Á phục hồi, “cuộc cạnh tranh LNG giữa châu Âu và châu Á thậm chí sẽ khó khăn hơn, có thể đẩy giá cao hơn hiện nay”.