Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Hưng Yên, Bùi Mạnh Hùng cho biết, khi có nội dung đăng ký trình kỳ họp và kế hoạch tổ chức kỳ họp Ban Kinh tế-Nngân sách sẽ chủ động thực hiện việc xây dựng kế hoạch thẩm tra theo lĩnh vực được phân công. Tại kế hoạch thẩm tra Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ thông báo nhiệm vụ và phân công các thành viên trong Ban để chủ động nghiên cứu, tiếp cận những thông tin liên quan đến các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh phân công thẩm tra trình tại kỳ họp của HĐND.
Các thành viên và bộ phận tham mưu giúp việc tiếp cận với các đơn vị soạn thảo để nắm bắt nội dung trong các báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Khai thác nguồn thông tin, nhất là các thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mang tính lãnh đạo định hướng và nhiều nội dung có liên quan vấn đề cần thẩm tra. Tổ chức khảo sát, giám sát các vấn đề liên quan các nội dung báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết để nghiên cứu những điều kiện cần và đủ, bảo đảm tính khả thi của nội dung trình khi được thông qua. Lấy ý kiến rộng rãi về các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thảo luận làm rõ các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa 17, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức 15 kỳ họp ban hành hơn 350 nghị quyết thuộc các lĩnh vực kinh tế- xã hội: tài chính-ngân sách, đầu tư công, xây dựng, tài nguyên môi trường, đất đai, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, lao động, chính sách về tôn giáo... Các nội dung được phân công thẩm tra khá rộng, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu và rộng, do vậy khi tiến hành thẩm tra các Ban của HĐND tỉnh Hưng Yên phải xem xét tính đầy đủ, phù hợp trong hồ sơ trình của UBND tỉnh, bao gồm báo cáo, tờ trình, biểu mẫu, thuyết minh, dự thảo Nghị quyết của HĐND.
Để thẩm tra tốt các nội dung trình thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội các thành viên cần nắm chắc các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật liên quan, như việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công cần xem xét yếu tố bảo đảm sự cần thiết đầu tư, các yếu tố định mức kinh tế kỹ thuật, suất đầu tư, nguồn vốn, sự phù hợp quy hoạch và khả năng cân đối bố trí vốn và hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội.
Việc xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cần thẩm tra kỹ các danh mục đủ điều kiện và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn; quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm toàn bộ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương; các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về quyết định nhiệm vụ thu, chi ngân sách cần căn cứ trên cơ sở dự toán được Trung ương giao và định mức phân bổ chi ngân sách và tình hình thực tế khả năng của địa phương từ đó xem xét, đối chiếu và tiến hành thẩm tra bảo đảm quy định.
HĐND tỉnh Hưng Yên kiểm tra, giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công công trình đường trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. |
Đối với dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa cần bảo đảm căn cứ pháp lý, quy hoạch, việc đóng góp nghĩa vụ với ngân sách… Qua hoạt động thẩm tra, Ban Kinh tế-Ngân sách cùng các cơ quan tham mưu soạn thảo của UBND tỉnh Hưng Yên đã thống nhất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền có nội dung chưa đủ điều kiện thông qua như một số dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án chưa đảm bảo điều kiện phân bổ vốn, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa… vì vậy, cần bổ sung thêm căn cứ và đủ điều kiện mới đưa vào kỳ họp HĐND tỉnh.
Thực hiện hoạt động thẩm tra có hiệu quả, các Ban HĐND tỉnh Hưng Yên tiến hành những hình thức khảo sát, giám sát phù hợp. Qua hoạt động khảo sát, giám sát thực tế sẽ nghiên cứu những điều kiện cần và đủ để bảo đảm tính khả thi của nội dung trình. Đặc biệt ,những vấn đề liên quan nguồn lực bảo đảm cho đề án, nghị quyết thực hiện được cần làm việc kỹ lưỡng với các cơ quan chức năng như kế hoạch-đầu tư, tài chính... để xác định năng lực thực chất của địa phương. Yêu cầu các cơ quan soạn thảo trả lời làm rõ những vấn đề mà của Ban đặt ra.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Hưng Yên, phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản chỉ đạo triển khai những giải pháp: Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên cần thống nhất chương trình kỳ họp sớm để phân công nội dung thẩm tra cho các Ban, đó là cơ sở đầu tiên để các Ban của HĐND chủ động trong triển khai thực hiện quy trình thẩm tra; bảo đảm thời gian để các Ban thu thập đầy đủ thông tin, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu cần thiết phục vụ công tác thẩm tra.
Đối với nội dung liên quan nhiều lĩnh vực thì phân công Ban thuộc lĩnh vực chính chủ trì, các Ban còn lại phối hợp thẩm tra. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND phải làm việc chặt chẽ với UBND và các cơ quan liên quan yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục soạn thảo nội dung trình đúng quy định của pháp luật; các nội dung có chứa quy phạm pháp luật phải bảo đảm trình tự, thời gian theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn.
Các Ban HĐND tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, tăng cường giám sát để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Cần coi trọng công tác tổng hợp lưu trữ, cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình kinh tế-xã hội; chủ động thu thập thông tin ngay từ trong quá trình thực hiện giám sát thường xuyên, chuyên đề, tiếp xúc cử tri,…. Lãnh đạo các Ban cần được mời tham dự các hội nghị liên quan lĩnh vực hoạt động của Ban; các hội nghị của Ban Thường vụ; Ban Chấp hành Đảng bộ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND, kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các Ban về nội dung liên quan.
Khi thẩm tra cụ thể từng nội dung, trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành tham vấn ý kiến các chuyên gia và những người có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đang tiến hành thẩm tra. Nội dung báo cáo thẩm tra của Ban phải thể hiện rõ được ý kiến của Ban về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế, sự phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi... những vấn đề mà Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác. Kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để nghị quyết khi ban hành đạt chất lượng và thực sự đi vào cuộc sống. Đối với các đề án, dự thảo nghị quyết nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp tình hình của địa phương, các Ban cần có chính kiến, kiến nghị HĐND không thông qua…