Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại Vĩnh Phúc

NDO -

Ngày 25-6, tại Vĩnh Phúc, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn, tiến hành khảo sát công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Trong khuôn khổ cuộc khảo sát, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức hai Tọa đàm khoa học về hai nội dung: "Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; và “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở Việt Nam”.

Tham dự các cuộc tọa đàm có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần rất quan trọng để xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong sạch vững mạnh.

Các tham luận của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn có “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương, còn bố trí người nhà, người thân tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án do ngành mình làm chủ đầu tư, gây dư luận không tốt.

Một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, để xảy ra sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Trong tự phê bình, một số cán bộ, đảng viên chưa thẳng thắn nhận khuyết điểm, chưa nhận diện đầy đủ, sâu sắc những biểu hiện suy thoái và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao...

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu lên một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện, như còn một số biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất khó nhận diện, việc kiểm tra phát hiện, xử lý còn gặp khó khăn; công tác tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn hình thức, nhất là việc góp ý với người đứng đầu, với cấp trên. Cơ chế giao tỷ lệ giảm biên chế bình quân cho các tỉnh, thành phố (giảm 10%) là chưa phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của địa phương.

Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết liệt, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"…

Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại Vĩnh Phúc -0
Đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại cuộc tọa đàm. 

Đối với lĩnh vực đất đai, các tham luận của tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Chính sách pháp luật về đất đai, cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013 đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội. Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác, sử dụng ngày càng nhiều, tình trạng để đất hoang hóa, lãng phí đất đã được hạn chế. Đất đai nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng đã dần trở thành công cụ để điều hành, định hướng và có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và tại các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện từ năm 2014 đến nay, Luật đất đai cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa thực hiện tốt vai trò của Nhà nước trong việc ổn định, phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản. Việc điều tiết lợi ích giữa người có đất được Nhà nước thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước vẫn chưa thật sự tốt, địa tô chênh lệch sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phần lớn vẫn thuộc về các nhà đầu tư; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chuyển mục đích rừng còn chồng lấn giữa đất và loại rừng; khó khăn trong việc thực hiện các dự án phát sinh, các dự án trọng điểm trong bối cảnh quy hoạch sử dụng đất không được điều chỉnh cục bộ; việc xác định các tính chất, loại dự án, cơ chế thu hồi, giao đất, cơ chế thỏa thuận còn phức tạp; xác định giá đất còn nhiều vướng mắc… Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật nói chung cũng như pháp luật về đất đai chưa thật sự ổn định, đồng bộ; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất tiếp tục giữ các quan điểm về sở hữu đất đai đã quy định tại Hiến pháp năm 2013 là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện; chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; là nguồn lực để phát triển đất nước. Các đại biểu đề xuất, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo định hướng có tính ổn định, lâu dài; phân quyền và giao trách nhiệm tới các địa phương.

Văn bản quy phạm pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn các quan hệ xã hội và cần đơn giản, chặt chẽ, không chồng chéo. Tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất theo khung đồng bộ, thống nhất ở các cấp hành chính, có tầm nhìn dài hạn để làm công cụ quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài. Hoàn thiện cơ chế tài chính về giá đất, thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo nguyên tắc thị trường và đặc thù hàng hóa đặc biệt.

Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương, nhất là cấp tỉnh. Về quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, tỉnh cũng đề nghị bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo quỹ đất sạch để chủ động thu hút đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các khu đất có giá trị thương mại cao. Luật hóa việc xác định phạm vi và cắm mốc để quản lý chặt chẽ các vùng đất trồng lúa, đất rừng, hồ nước ngọt cần bảo vệ nghiêm ngặt không được chuyển mục đích sử dụng đất để bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường ...

Các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã trao đổi, làm rõ thêm nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng Đảng và quản lý đất đai. Thay mặt Đoàn công tác, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn phát biểu ý kiến ghi nhận nỗ lực của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu.

Thời gian tới, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp tục khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị nhằm làm rõ hơn các vấn đề lý luận, thực tiễn và tìm hiểu những cách làm mới, mô hình mới ở các địa phương, phục vụ Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.