Hội Ðền Ðô và lễ đọc "Chiếu dời Ðô"

Ðền Ðô, xưa gọi là Cổ Pháp điện được dựng trên đất "Liên hoa bát diệp" thuộc châu Cổ Pháp (sau  đó Lý Thái Tổ đổi là châu Thiên Ðức). Ðiện Cổ Pháp do con trưởng Vua Lý Thái Tổ là Lý Thái Tông cho dựng ngày 3-3-1030 (Canh Ngọ) để thờ cúng Vua cha. Hằng năm, Bộ Lễ của triều đình về đền làm chủ tế. Sau này khi các Vua nhà Lý mất, đều đưa về quê hương thờ tự nên Cổ Pháp điện còn có tên là Ðền Ðô. Ðền Ðô được kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", chia thành hai khu vực: nội thành và ngoại thành, ngăn cách bởi  tường thành bao quanh xây gạch đỏ đẹp không trát vữa. Khu nội thành gồm nhà hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà bia, nhà để tám kiệu thờ, nhà để tám ngựa thờ. Khu ngoại thất gồm nhà phương đình, đền Vua bà, nhà chủ tế, ngũ long môn, Sân rồng, tượng voi, sấu đá.

Mỗi công trình đều là những tuyệt tác nghệ thuật của các nghệ nhân thời Lý. Năm 1695, Ðền Ðô được trùng tu vào thời Vua Lê Kính Tông. Vua cử Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan soạn văn bia "Cổ Pháp điện tạo bi" đến nay vẫn còn lưu giữ với những dòng nhắc nhở hậu thế: "Người nước Nam ghi nhớ công đức to lớn ấy phải dựng lại đền thờ cúng, xuân thu tứ thời bát tiết, hưởng lộc muôn đời, toàn dân trong thiên hạ tôn kính báo đền công đức triều Lý".

Năm 1952, thực dân Pháp đốt phá Ðền Ðô. Năm 1990, Ðền Ðô bắt đầu được phục dựng lại theo quy mô và kiến trúc đền từ thời Lý, năm 2000 cơ bản  hoàn thành tổng thể các công trình khu thành nội và thành ngoại của Ðền. Ngày nay, về thăm viếng Ðền Ðô, lòng ta càng thêm tự hào và nhớ ơn các bậc tiên đế. Các công trình kiến trúc và  điêu khắc đã thể hiện bàn tay  tài hoa của người Kinh Bắc hôm nay. Rồng trên sân, rồng trên các cánh cửa, đầu đao... tất cả đều như đang bay lên vờn mây, với thân rồng vừa mềm mại, vừa chắc khỏe, đầy uy quyền đế vương. Ðặc  biệt, nhà tiền tế có bức hoành phi lớn "Cổ Pháp triệu cơ" và cạnh đó là bức cuốn thư chạm Chiếu dời Ðô của Lý Công Uẩn với 214 chữ ứng với 214 năm, tám đức Vua nhà Lý trị vì đất nước. Ở nhà ngũ long môn, bậc tam cấp có đôi rồng chạm bằng đá xanh đang ở tư thế rồng bay lên rất đẹp và bức đại tự "Lý triều bát đế" trên cửa chính. Ðây là công trình do UBND TP Hà Nội đóng góp  tu sửa Ðền Ðô năm 2000 trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội, thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân Thủ đô với Vua Lý Thái Tổ, người đã chọn Hà Nội làm đế đô muôn đời của nước Việt.

Hằng năm,  Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh và nhân dân Ðình Bảng tổ chức lễ hội Ðền Ðô. Lễ hội được mở ngày 14-15-16 tháng Ba để tưởng niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Chọn ngày lành, rằm tháng ba năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, Lý Công Uẩn làm lễ đăng quang. Người lễ tế trời, đặt niên hiêu Thuận Thiên và ban Chiếu dời Ðô. Trước đó, tháng 2 năm 1010, Lý Công Uẩn đã về quê hương Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Thái hậu và đo đất để xây Thọ lăng Thiên Ðức (nơi yên nghỉ của các Vua nhà Lý sau này).

Sáng 15-3, đại lễ bắt đầu từ giờ Thìn. Ðoàn rước rồng và kiệu đông tới vài nghìn người. Ði đầu là rồng lớn và đội cờ mang quốc hiệu Ðại Việt và chữ Lý cùng đội nhạc tế. Kiệu long đình rước Lý Thánh Mẫu, kế đó là lá phướn lớn tượng trưng cho thiền sư Lý Khánh Văn, hương án và kiệu Lý Thái Tổ với đoàn ngựa hồng, ngựa gỗ, các tướng phù giá đi theo. Cuối cùng là đoàn tướng sĩ và các vị bô lão, đoàn hậu duệ và đội tế của các tỉnh thành về dự lễ hội.

Màn múa rồng tưng bừng, thể hiện rồng bay lên, tượng trưng cho hào khí Thăng Long. Mở đầu Ðại lễ thiêng liêng, Quan đám (nay là Trưởng Ban tổ chức lễ hội), trang nghiêm đọc Chiếu dời Ðô. Âm vang trầm hùng của Chiếu dời Ðô thấm sâu tâm can con cháu: "Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Ðế vương muôn đời...". Sau đó, từng đoàn lần lượt vào tế. Nghi thức trang trọng; hồn thiêng sông núi như hội tụ về trong giờ phút thành kính trước anh linh các vị Vua triều Lý và các Anh hùng dân tộc, cầu cho quốc thái dân an và quê hương,  gia tộc mọi điều tốt lành.

Sau nghi thức tế lễ trang nghiêm, nhân dân tham gia các cuộc thi nấu cơm niêu đất, chọi gà, đánh cờ, chơi đu, hát quan họ quanh hồ thủy đình. Các liền anh, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao duyên dáng, tình tứ trong câu hát giao duyên của đất Kinh Bắc lịch lãm và trọng nghĩa tình với biểu trưng văn hóa ẩm thực - bánh phu thê.

Lễ hội Ðền Ðô và nghi thức đọc Chiếu dời Ðô mang tính quốc lễ thiêng liêng của dân tộc Việt truyền từ thời Lý đến nay và mai sau. Văn hóa và tâm linh quyện chặt với nhau trong tâm thức của con dân đất Việt trong lễ hội Ðền Ðô, một nét đặc sắc của tâm hồn người Việt.