Học viện Quân Y khởi động tiêm vaccine Nanocovax thử nghiệm trên người

NDO -

Sáng nay, 17-12, ba tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi Nanocovax thứ nhất phòng Covid-19 tại Viện Nghiên cứu Y được học Quân sự, Học viện Quân Y.

Tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax.
Tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax.

GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, đến nay, đã có gần 300 người đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine. 60 người được lựa chọn cho giai đoạn lâm sàng thứ nhất đã được khám, sàng lọc, sẵn sàng cho mũi tiêm đầu tiên.

Hiện các vaccine Covid-19 đang nghiên cứu trên thế giới gây những tai biến không mong muốn không nhiều. Vaccine của Việt Nam cũng được kỳ vọng như vậy. Tuy nhiên, Học viện Quân Y đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bảo đảm quá trình diễn ra thuận lợi và an toàn.

GS Đỗ Quyết nói: "Trước khi chính thức thử nghiệm, chúng tôi đã diễn tập nhiều lần, dự phòng tình huống. Vì thế, bất cứ tác dụng phụ không mong muốn nào xảy ra, Học viện Quân y cũng phải xử lý được. Hiện công tác hồi sức cấp cứu rất sẵn sàng. Dù rất ít nguy cơ xảy ra, tuy nhiên, chúng tôi cũng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tiêm”.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, hôm nay, tình nguyện viên được tiêm mũi tiêm đầu tiên của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất.

Dự kiến, giai đoạn 1 diễn ra trong bốn tháng, giai đoạn 2 là bốn tháng tiếp theo và giai đoạn cuối cùng là tám tháng. Trong đó, giai đoạn 1 không dùng nhóm đối chứng (dùng giả dược). 60 tình nguyện viên sẽ được chia thành ba nhóm với liều khác nhau để đánh giá liều tối ưu.

Về quy trình, đại diện Học viện Quân Y cho hay những tình nguyện viên sẽ đến phòng đón tiếp. Sau khi được tư vấn, nếu đồng ý, họ sẽ được khám sàng lọc và xét nghiệm. Các xét nghiệm, chụp x-quang, điện tim..., được thực hiện tại viện. Người đủ điều kiện sẽ được chọn để tiêm vaccine.

Sau khi tiêm, họ được nghỉ ngơi tại Viện Nghiên cứu Y được học Quân sự, Học viện Quân Y, trong 72 giờ. Đơn vị bố trí các phòng ngủ và tắm cho nam, nữ riêng biệt. Ngoài ra, còn có nhà ăn tại chỗ.

Đại diện Bộ Y tế cho hay tiêu chí tuyển tình nguyện viện theo ba giai đoạn sẽ có các tiêu chí khác nhau. Trong đó, quan trọng là họ phải có sự hiểu biết, được tư vấn và tự đưa ra quyết định của mình. Họ hoàn toàn không bị ép buộc. Khi tham gia, họ được theo dõi trước, trong và sau khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Theo GS Đỗ Quyết, các quy trình được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự giám sát của hội đồng đạo đức gồm các chuyên gia khắp cả nước.

Tại lễ khởi động tiêm thử nghiệm sáng nay, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh, đây chỉ là buổi khởi động trong cả một quy trình đánh giá lâm sàng. "Trước mắt, chúng ta còn cả một trận chiến dài. Trong đó, cần sự chung tay không chỉ của các nhà khoa học, nhà quản lý mà còn của người dân, cộng đồng và tình nguyện viên”, ông Quang nói. 

Mặc dù vaccine được coi là vũ khí hữu hiệu để chiến đấu với Covid-19, nhưng theo ông Quang, ý thức phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân hết sức quan trọng. Người dân không nên chủ quan, lơ là khi cho rằng Việt Nam đã có vaccine Covid-19.  Người dân phải tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, chẳng hạn nguyên tắc 5K.  

Ông cũng bày tỏ hy vọng việc thử nghiệm lâm sàng sẽ thành công và trong thời gian tới có thể đưa vaccine vào sử dụng. Với tiến độ này, dự kiến cuối năm 2021, chúng ta sẽ có dự liệu lâm sàng để đánh giá vaccine Nanocovax.

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, vaccine Nanocovax có thể bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian ngắn nhờ được rút ngắn các thủ tục. Tuy nhiên, vaccine này vẫn phải bảo đảm an toàn.

GS Đỗ Quyết cho biết thêm, hiện nay, vaccine Covid-19 thế giới chỉ đáp ứng được 1/5 dân số thế giới và cũng chỉ ưu tiên những nước phát triển. Vaccine này của chúng ta là sản phẩm của Việt Nam và dùng cho người Việt Nam.

Cuộc đua vaccine Covid-19