Học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, quyết tâm đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên giành những thắng lợi mới (*)

NDO -

ND -  Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, "người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế". (1)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng VI
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng VI

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, 14 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1930, khi mới 15 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo, địa ngục trần gian mà kẻ thù lập nên hòng đè bẹp ý chí của các chiến sĩ cách mạng.

Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, đồng chí được trả tự do trở về hoạt động, tham gia khôi phục Thành ủy Hải Phòng, trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đầu năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn, làm Phó Bí thư Thành ủy.

Cuối năm 1939, đồng chí được Đảng phân công đi khôi phục các tổ chức đảng ở các tỉnh Trung Kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án và đày đi Côn Đảo lần thứ hai.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về hoạt động ở Nam Bộ, cùng đồng bào, đồng chí miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thứ Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, thành đồng Tổ quốc, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi hy sinh, gian khổ đánh bại mọi âm mưu, mọi chiến lược chiến tranh của kẻ thù xâm lược.

Đồng chí có những đóng góp, cống hiến to lớn đối với mỗi bước phát triển của cách mạng miền Nam trong suốt 30 năm của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Đảng ta khẳng định: "Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thuộc về toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh". (2)

Đất nước hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa IV, V), Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đến lần thứ VIII (1996), đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí đều hết lòng vì Đảng, vì dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí đã trăn trở, tìm cách tháo gỡ những khó khăn của thành phố vừa mới được giải phóng, trăn trở về hiệu quả đối với sự phát triển đất nước của biện pháp cải tạo các thành phần kinh tế, về cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, mệnh lệnh hành chính kéo dài đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí đã ủng hộ, khuyến khích những sáng tạo, tìm cách làm ăn mới của nhân dân, của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với tinh thần "đấu tranh cho cái mới cũng đòi hỏi phải dũng cảm, hy sinh... Việc gì có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân, các đồng chí cứ yên tâm mà làm".

Đồng chí thường xuyên báo cáo những chuyển động ở cơ sở lên các đồng chí lãnh đạo Trung ương, mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương khảo sát, tìm hiểu những cơ sở có cách thức làm ăn mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của đất nước.

Là Tổng Bí thư của Đảng những năm đầu thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo "nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế". (3)

Là một trong những người khởi xướng và tích cực chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn khẳng định: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà để đạt tới mục tiêu đó; phải có những hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp với quy luật; đổi mới phải có tính nguyên tắc, mà nguyên tắc hàng đầu là phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tại các lớp học của cán bộ quán triệt Nghị quyết Đại hội VI, các Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa VI), đồng chí nhiều lần khẳng định: Đảng ta chủ trương từng bước đổi mới toàn diện và triệt để, trọng tâm là đổi mới kinh tế, đồng thời đổi mới tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị một cách phù hợp. Lập trường dứt khoát và kiên quyết là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đặc biệt phải coi trọng phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh với các tư tưởng dao động, hữu khuynh, lệch lạc, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới.

Lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí xác định phải nắm được các quy luật khách quan và áp dụng phù hợp với điều kiện của đất nước, phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm, chống cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, chống việc tách rời giữa lý luận và thực tiễn.

"Phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao, thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai hóa hoạt động, đi sâu, đi sát thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội làm mục đích, biết giải quyết công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của quần chúng nhân dân lao động. Nói cách khác, đổi mới tư duy phải đi liền với đổi mới phong cách, đó là một quá trình thống nhất không thể tách rời".(4)

Theo đồng chí, "nói đổi mới tư duy, điều căn bản là phải đổi mới tư duy lý luận và để nâng cao trình độ lý luận, phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt đường lối của Đảng, học tập những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cách mạng nước ta và tham khảo những thành tựu phát triển lý luận của các đảng anh em; phải tăng cường thâm nhập, tổng kết thực tiễn và phải huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt của các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp đổi mới".(5)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết, công sức cho công tác xây dựng Đảng. Đồng chí xác định, để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân, Đảng phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình.

Đảng phải đề ra được đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên. Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó; phải tập trung đầu tư công sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo. Phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề quan hệ giữa Đảng với dân trong điều kiện Đảng cầm quyền. Bởi vì: "Quan hệ Đảng với dân là quan hệ sống còn, dân lúc nào cũng cần Đảng, Đảng lúc nào cũng ở trong dân, sống chết vì dân. Sự gắn bó giữa Đảng với dân là máu thịt".(6)

Để Đảng làm tốt vai trò lãnh đạo của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh yêu cầu:

"Chất lượng của Đảng phải mạnh, phải tốt, trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức phải tốt, không được quan liêu, xa rời quần chúng... Đảng phải sâu sát và hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân" (7).

"Sức mạnh, uy tín và chất lượng lãnh đạo của Đảng phụ thuộc một phần quyết định ở việc phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm dân chủ trong Đảng và trong xã hội".

Đồng chí nhấn mạnh: "Để thực hiện dân chủ hóa xã hội, trước hết phải dân chủ hóa trong Đảng. Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức đảng cơ sở phải là tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện dân chủ. Mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đều phải sống và làm việc theo pháp luật như mọi công dân bình thường, không có ngoại lệ"(8). Bằng một loạt bài viết "Những việc cần làm ngay" đăng trên Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, cổ vũ, động viên tinh thần "Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước" (9).

Đồng chí khẳng định sức mạnh của Đảng là do có đường lối chính trị đúng đắn, đồng thời do có đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Đồng chí cho rằng "không có Đảng trừu tượng, vô hình, nằm ngoài con mắt của quần chúng. Quần chúng quan niệm về Đảng thường là qua những đảng viên cụ thể ở nơi làm việc và khu dân cư. Nếu đảng viên không tự rèn luyện, không gương mẫu tiến hành tự phê bình và phê bình thì uy tín và sức mạnh của Đảng cũng sẽ dần mất đi".

Và đồng chí nêu rõ những tiêu cực phát sinh, tồn tại và phát triển trầm trọng trong xã hội là do chúng ta buông lỏng công tác xây dựng Đảng, coi nhẹ việc giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên. Do đó, để khắc phục bệnh quan liêu, nhũng nhiễu, tham ô, thoái hóa, biến chất, cơ hội chủ nghĩa, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mọi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận và học vấn; phải thường xuyên rèn luyện tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; có ý chí cách mạng tiến công, ý thức phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh và biết tự phê bình; sinh hoạt cá nhân lành mạnh nêu gương cho mọi người xung quanh.

Đồng chí nói: "Lãnh đạo các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có uy tín và sự nghiêm minh trong công việc", "Đảng và Nhà nước phải quyết tâm làm trong sạch và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ", phải luôn luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phải chống chủ nghĩa cá nhân.

83 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", "cần kiệm liêm chính chí công vô tư", tình nghĩa, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Đồng chí đã nhận được tình cảm kính trọng, tin yêu của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế, điều mà đồng chí hết sức trân trọng, xem là phần thưởng lớn đối với mình. Hơn 10 năm trong ngục tù đế quốc, chế độ lao tù khắc nghiệt và tàn bạo đã không khuất phục được tinh thần cách mạng của đồng chí. Cùng với các chiến sĩ cộng sản kiên cường khác, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, học tập văn hóa, học tập lý luận và rèn luyện ý chí chiến đấu. Ba mươi năm ở trên hàng đầu trận tuyến ác liệt của hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc, mưa bom bão đạn của kẻ thù không lay chuyển được ý chí và quyết tâm chiến đấu giành độc lập, thống nhất Tổ quốc của đồng chí. Khi ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí vẫn giữ nếp sống trong sạch, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân. Đồng chí thường nói: đất nước còn nghèo, nhân dân còn khổ, còn thiếu thốn, người cán bộ lãnh đạo phải đồng cam cộng khổ với dân. Nhân dân nhiều địa phương còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư trong bộ quần áo kaki bạc màu đi trên chiếc xe Lada, không có cảnh sát dẫn đường đến với các địa phương, cơ sở. Là một người cộng sản mẫu mực, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh là niềm tự hào của Đảng ta và nhân dân ta.

... 25 năm qua, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế quốc dân đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố vững chắc; vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao; đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện. Do đó, đã củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, với thành công của sự nghiệp đổi mới và tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thử thách. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện những âm mưu và hành động chống phá cách mạng nước ta; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm với nhân dân, thói lười biếng, ỷ lại, bảo thủ, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là trở lực đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với Đảng, với nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tiến lên giành những thành tựu to lớn hơn, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Vinh quang mãi mãi thuộc về dân tộc ta - dân tộc Việt Nam anh hùng, thuộc về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh, những chiến sĩ cộng sản kiên cường đã hy sinh phấn đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội...

------------------------------------

(Bài phát biểu của đồng chí TRƯƠNG TẤN SANG)

------------------------------------

(1); (2); (3); (9) - Điếu văn của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29-4-1998, Báo Nhân Dân, ngày 30-4-1998.

(4); (5); (8) - Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 3.

(6); (7) - Nguyễn Văn Linh: Đổi mới công tác quần chúng, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1991.

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.