Học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong việc củng cố quan điểm về chủ nghĩa xã hội

NDO -

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kết hợp với lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, điều chỉnh đường lối theo hướng lấy con người làm trung tâm và tập hợp sự phát triển của các lực lượng sản xuất với sự tái phân phối công bằng của cải vì lợi ích của quần chúng nhân dân, coi đây là kế hoạch kinh tế duy nhất, kiểm soát công đối với thị trường và từ đó có thể bảo đảm thành công chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam luôn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm.
Việt Nam luôn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm.

Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có bài viết rất sâu sắc mang tên “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó trả lời một số câu hỏi về những thách thức trên chặng đường xây dựng xã hội chủ nghĩa trong thời đại của chúng ta ngày nay.

Tuy tập trung phản ánh thực trạng ở Việt Nam, nhưng bài viết này, trên thực tế, cũng là tư liệu tham khảo hữu ích cho những người theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin đang hoạt động và đấu tranh ở các quốc gia khác. Khi đọc bài viết quan trọng này, chúng tôi hiểu hơn sự phức tạp trong quá trình xây dựng một hệ thống khác với chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa tự do. Đồng thời, chúng tôi cũng hiểu hơn phương pháp tập hợp, dựa trên cách tiếp cận liên ngành và duy vật biện chứng, kiến thức và kinh nghiệm của nhân loại trên nhiều lĩnh vực trong sự nghiệp cách mạng.

Trước hết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có đánh giá rất đúng đắn rằng với sự tan rã của Liên Xô, chính sách tự do mới đã trỗi dậy. Điều này đã hủy hoại, hoặc làm suy yếu trầm trọng các chính sách phúc lợi trong hệ thống tư bản phương Tây. Những chủ nghĩa này được thúc đẩy vốn không phải để phục vụ lợi ích người dân mà là nhằm kiểm soát mong muốn của giai cấp lao động và tách biệt họ khỏi chủ nghĩa xã hội. Dù đã có nhiều nhà lý luận mác-xít đồng tình với những phân tích này, nhưng tôi xin nhấn mạnh một số điểm độc đáo, mà tôi cho là rất xác đáng, trong đánh giá của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu tiên, tôi đánh giá cao việc tự phê phán một cách minh bạch những vấn đề tồn đọng trong hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau khi thực hiện cải cách mở cửa thị trường. Rõ ràng chỉ khi ta nhận thức được vấn đề thì mới có thể giải quyết triệt để nhằm cải thiện xã hội.

Trong quá khứ, khi nhìn vào kinh nghiệm của Liên Xô hay các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, thì việc nhận thức được các vấn đề tồn đọng là không hề dễ dàng, do không muốn đánh động cho “kẻ thù” của giai cấp về những thách thức này. Tuy nhiên, các phe đối lập vốn dĩ đã nắm rõ những vấn đề này, và sự e ngại đó chỉ khiến giai cấp lao động, lực lượng tiên phong của chủ nghĩa cộng sản và người dân không nhìn nhận được những yếu kém tồn đọng, do đó không thể công khai thay đổi và tránh được cuộc sụp đổ trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1991. Hệ quả là không chỉ những quốc gia này, mà toàn thể phong trào cộng sản quốc tế và các nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở nhiều nơi rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhất.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kết hợp với lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, điều chỉnh đường lối theo hướng lấy con người làm trung tâm và tập hợp sự phát triển của các lực lượng sản xuất với sự tái phân phối công bằng của cải vì lợi ích của quần chúng nhân dân, coi đây là kế hoạch kinh tế duy nhất, kiểm soát công đối với thị trường và từ đó có thể bảo đảm thành công chủ nghĩa xã hội.

Chính trị gia người Pháp Jean Jaurès, người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa hòa bình, từng nói rằng: “Chủ nghĩa quốc tế, nếu chỉ có chút ít sẽ đẩy ta khỏi quê hương, nếu có nhiều sẽ mang ta trở lại quê nhà. Tinh thần yêu nước, nếu chỉ có chút ít sẽ khiến ta xa rời chủ nghĩa quốc tế, nếu có nhiều sẽ đưa ta trở về với tinh thần ấy”. Như vậy, tôi tin rằng mối quan hệ giữa thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra đóng vai trò rất quan trọng.

Với những người cộng sản Thụy Sĩ chúng tôi thì nhận xét của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là rất xác đáng. Theo như Đảng Cộng sản Thụy Sĩ thì mối liên kết giữa việc bảo vệ nền độc lập của Thụy Sĩ, tinh thần quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, và sự tổng hòa các động lực tiến bộ cần phải được coi là nền tảng cho hoạt động chính trị cách mạng trong giai đoạn lịch sử này. Đồng thời, Đảng Cộng sản Thụy Sĩ cũng cho rằng trật tự đa cực cần được coi là “sân chơi” để thúc đẩy hợp tác, và là không gian dân chủ để giai cấp công nhân mở ra con đường giải phóng, hướng tới chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu.

Nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Mác - Lê-nin, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo chỉ ra hai điểm cần tập trung hiện nay trong bài viết của mình. Hai yếu tố đó là nguy cơ chia rẽ quốc gia dựa theo sắc tộc và tầm quan trọng của giáo dục tư tưởng. Các nước xã hội chủ nghĩa phải nhận thức rõ các khuynh hướng này bằng cách xây dựng ý thức yêu nước và vì cộng đồng, thể hiện tính chất đoàn kết giai cấp và đại đồng giữa các dân tộc. Phong trào cộng sản quốc tế và các đảng cầm quyền cần phải hành động, không phải với cách tiếp cận trịch thượng, chuyên quyền, mà thông qua việc tăng cường “sức mạnh mềm”, cải thiện việc giáo dục với sự tham gia tích cực và dân chủ của lớp trẻ về các tư tưởng yêu nước, đoàn kết, gắn kết và bình đẳng.