Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp chuyên đề vào cuối tháng 3/2023 quyết định để học sinh, phụ huynh không phải đóng học phí cao hơn so với năm học trước (năm học 2021- 2022) theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ.
Từ năm 2018 đến năm 2021, học phí tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý không tăng và được xác định ở mức trung bình thấp của khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015 của Chính phủ.
Khi quyết định tăng học phí năm học 2022- 2023, tỉnh Thái Nguyên xác định, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học; phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga, cho biết: “Năm học 2022- 2023, thực hiện lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND, ngày 29/8/2022 (trước ngày khai giảng năm học mới 1 tuần), quy định mức thu học phí mới chỉ bằng mức tối thiểu của khung học phí quy định tại khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ”.
“Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh quy định, các cơ sở giáo dục chỉ được thu học phí theo tháng để chờ chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương”, bà Thúy Nga cho biết thêm.
Sau gần 4 tháng thực hiện mức thu học phí mới, ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trong đó yêu cầu năm học 2022- 2023, các địa phương không tăng mức học phí so với năm học 2021- 2022.
Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội- Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Ngọc, chia sẻ: “Ngay sau khi Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực, mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng chủ động tổ chức nhiều cuộc họp để bàn và tham mưu cho tỉnh các phương án triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP đảm bảo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật, đúng chỉ đạo của Chính phủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, người dân”.
Ngày 24/2/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản chấp thuận đề xuất xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh quản lý để thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, mức tăng học phí năm học 2022- 2023 so với năm học trước là gần 190 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga, tới đây Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ họp kỳ chuyên đề, ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh quản lý.
Khi Nghị quyết có hiệu lực pháp luật, các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh sẽ thực hiện hoàn trả cho học sinh phần chênh lệch học phí đã thu năm học 2022- 2023 so với mức thu học phí năm học 2021- 2022. Đây sẽ là Nghị quyết được ban hành kịp thời, vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của học sinh, phụ huynh.