Hóc Môn tạo sức bật cho hạ tầng giao thông

Nằm ở cửa ngõ tây bắc thành phố, huyện Hóc Môn xác định, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế-xã hội, nhất là chú trọng đẩy nhanh tiến độ những dự án giao thông huyết mạch, nhằm hoàn thiện việc kết nối giao thông giữa thành phố, cũng như kết nối liên vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) là tuyến giao thông quan trọng kết nối hai huyện Hóc Môn với Củ Chi, kéo dài đến tỉnh Bình Dương.
Đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) là tuyến giao thông quan trọng kết nối hai huyện Hóc Môn với Củ Chi, kéo dài đến tỉnh Bình Dương.

Sau khi tuyến đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) được đưa vào hoạt động, gia đình bà Trần Thị Beng (74 tuổi), ở ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cũng đã hoàn thiện căn nhà hai tầng khang trang với quầy tạp hóa tấp nập người lui tới. Bà Beng chỉ ra con đường ngay trước nhà rộng 30m, đèn sáng trưng lúc chập tối phấn khởi: “Nhìn con đường mà vẫn không tin cô ơi. Lúc trước đường nhỏ hẹp mà kẹt xe, ngập nước nhưng nay xe chạy một mạch, qua tới tỉnh Bình Dương luôn. Nay có con đường mới, bà con ai cũng mừng, hy vọng người dân có điều kiện buôn bán, làm ăn khấm khá”.

Trải qua gần bốn năm thi công xây dựng với gần 1.200 hộ dân nằm trong dự án đồng thuận chủ trương và tích cực bàn giao mặt bằng cho huyện, tháng 4/2022, dự án nâng cấp, sửa chữa đường Đặng Thúc Vịnh có tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư đã hoàn thành. Chủ đầu tư đánh giá, tuyến đường dài 5,3 km, được mở rộng từ 7m lên 30m, đưa vào khai thác không chỉ góp phần thay đổi cơ bản diện mạo đô thị của huyện Hóc Môn mà còn tăng năng lực giao thông cho khu vực, giúp phát triển kinh tế-xã hội cũng như kết nối các tỉnh Bình Dương và Long An.

Cùng với tuyến đường Đặng Thúc Vịnh, giai đoạn 2020-2022, hai công trình giao thông quan trọng khác đưa vào khai thác đã góp phần làm “thay da đổi thịt” huyện Hóc Môn là nút giao thông An Sương và đường Tô Ký. Nút giao thông An Sương đã xóa bỏ nỗi “ám ảnh” ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đối với người dân khi lưu thông trên quốc lộ 22 ở cả hai chiều ra và vào trung tâm thành phố. Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết, vốn đầu tư cho cả ba công trình này gần 2.500 tỷ đồng, đều được huyện toàn tâm, toàn lực cùng chủ đầu tư thi công, kể cả khó khăn về thời gian trong đợt dịch bệnh. Qua đó, hệ thống hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn của một huyện cửa ngõ vùng ven.

Huyện Hóc Môn đang cùng ba địa phương thuộc Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án xây dựng đường Vành đai 3, một dự án được xem là dự án trọng điểm của quốc gia giúp kết nối phát triển kinh tế-xã hội liên vùng. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn, dự án có hơn 11,3km đi qua huyện với 396 trường hợp có đất bị ảnh hưởng thu hồi.

Huyện đang được chủ đầu tư bàn giao 50% diện tích còn lại, đồng thời tuyên truyền và thông tin đến nhân dân các xã về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 đã được Quốc hội thông qua nhằm sớm đền bù theo chỉ đạo của UBND thành phố trong năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hai, ở 87/1A, ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, có 70m2 đất ở bị thu hồi thực hiện dự án Vành đai 3 cho hay, bà ủng hộ và chấp hành chủ trương giao đất cho huyện và thành phố để sớm thi công dự án trọng điểm này.

Nhìn nhận về kết quả đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên cho rằng: Nhiều năm liền, “rào cản” khiến huyện Hóc Môn chưa thể phát triển xứng tầm là hạ tầng còn thiếu, chậm được đầu tư; kể cả công tác phê duyệt quy hoạch chung còn chậm khiến việc kêu gọi đầu tư còn hạn chế, nguồn ngân sách đầu tư còn phân tán chưa tập trung.

Nhận thức được hạn chế này, Huyện ủy, UBND huyện liên tục kiến nghị thành phố đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động để đôn đốc, chỉ đạo các phòng, ngành của huyện trong thực hiện các dự án giao thông; đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ kết nối huyện với thành phố cũng như thành phố với các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An và Bình Dương. Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn, qua rà soát và đánh giá tổng thể, hiện trạng giao thông của huyện Hóc Môn vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của huyện, nhất là các tuyến đường theo quy hoạch (đường Song hành Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi, Đỗ Văn Dậy…) được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được quan tâm bố trí vốn đầu tư dự án.

Trong khi, để đạt được chỉ tiêu về mật độ đường giao thông của bộ tiêu chí lên quận (hoặc thành phố) theo đúng lộ trình dự kiến, từ nay đến năm 2030 trên địa bàn huyện Hóc Môn phải được đầu tư nâng cấp hơn 100km đường giao thông. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của thành phố và các sở, ngành, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, tập trung tận dụng tối đa mọi nguồn lực của xã hội để chính quyền có điều kiện sớm triển khai thực hiện. Cùng với đó, thành phố cần quan tâm tăng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống giao thông hằng năm trên địa bàn huyện, qua đó góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt giao thông đô thị của một huyện nằm ở vị trí cửa ngõ then chốt.