Hoạt động quan trắc góp phần phát triển bền vững môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Xác định công tác quan trắc môi trường là một trong những hoạt động không thể thiếu và có vai trò rất quan trọng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông) đã tập trung khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật quan trắc…thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển bền vững môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
0:00 / 0:00
0:00
Theo kết quả của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, chất lượng môi trường giai đoạn năm 2012-2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là khá tốt, hầu hết các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo kết quả của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, chất lượng môi trường giai đoạn năm 2012-2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là khá tốt, hầu hết các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường được thành lập tại Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, trước đó là Trạm Quan trắc Môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đăk Nông và chính thức đi vào hoạt động từ tháng ngày 06/6/2011.

Với chức năng, nhiệm vụ thực hiện quan trắc, giám sát thường xuyên các chỉ tiêu tài nguyên môi trường nước, môi trường không khí, vi khí hậu, môi trường đất, chất thải rắn, môi trường sinh thái và tiếng ồn.

Tiến hành quan trắc, giám sát khi có nguy cơ sự cố và gia tăng ô nhiễm môi trường, tham gia phối hợp khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; quan trắc biến động về đất đai, khoáng sản, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, thiên tai; tham gia giám sát trong các cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên môi trường; quản lý và xây dựng mạng lưới quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh;

Cùng với đó, trung tâm thực hiện đào tạo chuyên viên, kỹ thuật viên giám sát, tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án có liên quan tới môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển giao công nghệ mới trong công tác quan trắc và giám sát môi trường; sản xuất phần mềm ứng dụng kỹ thuật để nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho chuyên viên.

Thực hiện dịch vụ (ký kết hợp đồng) triển khai công tác phân tích thí nghiệm các chỉ tiêu môi trường và tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo giám sát môi trường định kỳ; các lĩnh vực về tài nguyên nước và các dịch vụ khác theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án về quản lý, nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, báo cáo hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường và các dịch vụ khoa học kỹ thuật về tài nguyên môi trường…

Trong các năm 2023 và 2024, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường đã tiến hành hàng trăm điểm quan trắc về môi trường trên các khu vực có nguy cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đưa ra kết quả với các thông số kỹ thuật chính xác, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân được cảnh báo sớm, đưa ra được những biện pháp kịp thời đối với những vùng môi trường có nguy cơ hoặc đang lâm vào tình trạng ô nhiễm.

Cụ thể, trong năm 2023 đơn vị đã tiến hành quan trắc môi trường không khí và tiếng ồn tại 35 điểm ở các khu vực chịu ảnh hưởng của các hoạt động giao thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, các cơ sở sản xuất, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Gồm các thông số: Nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió, độ ồn, bụi TSP, SO2, NO2, CO.

Quan trắc môi trường nước mặt tại 31 điểm thuộc các lưu vực sông chảy qua các khu tập trung đông dân cư và các khu vực chịu tác động từ hoạt động xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề, cụm công nghiệp... Gồm các thông số: pH, Nhiệt độ, Độ dẫn điện (EC), Ôxy hoà tan (DO), Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), COD, BOD5 (20oC), Clorua (Cl), Nitrit (NO2-), Nitrat (NO-3) (tính theo N), Amoni (NH4+), Cadimi (Cd), Phosphat (PO43-) (tính theo P), Crom VI (Cr6+), Sắt (Fe), Đồng (Cu), Magan (Mn), Chì (Pb), Asen (As), ColiformTổng N, Tổng P, Kẽm (Zn).

Quan trắc môi trường nước ngầm tại 23 điểm tập trung ở các vùng có nguy cơ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm như xung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực dân cư tập trung, khu đô thị và gần khu vực trang trại chăn nuôi gia súc... Gồm các thông số: pH, DO, Độ đục, Độ dẫn điện (EC), Chỉ số pecmanganat, Độ cứng (tính theo CaCO3), Clorua (Cl-), Nitrite (NO2-), Nitrat (NO3-), Sunfat (SO42-), Phosphat (PO43-) (tính theo P), Crom VI (Cr6+), Mangan (Mn), Sắt (Fe), Amoni (NH4+), Đồng (Cu), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Asen (As), Coliform, Kẽm (Zn).

Quan trắc môi trường đất tại 12 điểm tập trung ở các khu dân cư đô thị khu dân cư nông thôn khu công nghiệp và cụm công nghiệp... Gồm các thông số: Tổng Photpho (P), Tổng Nitơ (N), Đồng (Cu), Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Asen (As), Chì (Pb).

Năm 2024, đơn vị triển khai quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn tại 35 điểm, với tần suất quan trắc 2 lần/năm; quan trắc môi trường nước mặt tại 31 điểm, với tần suất quan trắc 2 lần/năm; quan trắc môi trường nước ngầm tại 23 điểm, với tần suất quan trắc 2 lần/năm và quan trắc môi trường đất tại 20 điểm, với tần suất quan trắc1 lần/năm.

Theo kết quả của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, chất lượng môi trường giai đoạn năm 2012-2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là khá tốt, hầu hết các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí chung quanh. Chất lượng môi trường nước mặt các vị trí quan trắc trong giai đoạn 2012-2023 vẫn còn tương đối tốt, các chỉ tiêu đa phần nằm trong ngưỡng cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Chất lượng môi trường đất quan trắc (chủ yếu là đất nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2023 cho thấy các chỉ tiêu quan trắc kim loại nặng đều nằm dưới ngưỡng cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số ít vị trí các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép, chủ yếu do các hoạt động giao thông, quá trình sản xuất công nghiệp, môi trường chung quanh các nhà máy sản xuất kinh doanh lớn, các điểm xả của nước thải đô thị.

Chất lượng môi trường nước dưới đất có dấu hiệu bị ô nhiễm chất hữu cơ ở các giếng đào, giếng khoan, một số vùng nông thôn đang còn sử dụng nước giếng để sinh hoạt và ăn uống nên cần có biện pháp xử lý phù hợp trước khi sử dụng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường vẫn còn thiếu về nguồn nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, một số thiết bị quan trắc đã cũ, hư hỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn phải thuê lại nhà thầu phụ. Theo Quyết định 1425/QĐ-UBND ngày 07/9/2018 của Ủy ban nhân tỉnh Đắk Nông về việc điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động quan trắc được thực hiện: môi trường không khí 6 đợt/năm, nước mặt 6 đợt/năm, nước ngầm 4 đợt/năm và môi trường đất là 1 đợt/năm. Tuy nhiên, do các khó khăn nêu trên nên tần suất quan trắc thực hiện còn đạt thấp, khoảng hơn 1/3 so với quy định, dẫn đến việc đánh giá diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa phản ánh hết diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh.

Để hoạt động Quan trắc tài nguyên và môi trường đạt được kết quả cao hơn, thời gian tới, địa phương cần quan tâm bổ sung kinh phí hàng năm để thực hiện nhiệm vụ Quan trắc môi trường định kỳ bảo đảm theo quy định. Đầu tư trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu của tỉnh về quan trắc môi trường nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là việc tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường Dự án khai thác bô xít, Nhà máy Alumin Nhân Cơ và tổ hợp Nhà máy điện phân nhôm khi đi vào hoạt động.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế đến mức thấp nhất các ô nhiễm môi trường đối với môi trường đất, môi trường nước mặt, hệ sinh thái. Tăng cường mạng lưới quan trắc để có cái nhìn tổng quan hơn hiện trạng và diễn biết chất lượng môi trường từ đó giúp cơ quan quản môi trường thực hiện tốt hơn công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn,... hướng đến sự phát triển bền vững môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.