Đây là sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp đa dạng và giá trị truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận, thông qua các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, võ thuật, thư pháp, hát then, hát xẩm, hát văn, ví dặm, ca trù và các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy… Ngày hội diễn ra đến hết ngày 24-11.
* Ngày 22-11, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời”. Sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế, thành Thăng Long trở thành thành Hà Nội. Hơn 70 phiên bản tài liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh về thành Hà Nội giai đoạn 1802-1945 được trưng bày tại triển lãm, chia làm hai phần: Nhà Nguyễn với thành Thăng Long - Hà Nội; Người Pháp với thành Hà Nội.
Triển lãm cũng giới thiệu giai đoạn thành Hà Nội bị người Pháp đánh chiếm vào các năm 1873, 1882; sau đó dỡ bỏ nhiều công trình trong thành, xây dựng những công trình mới...
* Chiều 22-11, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đợt này, Bảo tàng tiếp nhận hơn 800 hiện vật liên quan thời kỳ bao cấp, thời kỳ kháng chiến, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa và các hiện vật về làng nghề, phố nghề, ẩm thực... Các hiện vật đều có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.
* Tối 22-11, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội khai mạc các hoạt động chào mừng với chủ đề “Tiếng tơ”. Ban tổ chức đã thực hiện trưng bày, giới thiệu các công đoạn làm ra sợi tơ, trình diễn thời trang làm từ tơ tằm; tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ vào tối 23-11. Ngoài ra, tại Ngôi nhà di sản (số 87 phố Mã Mây) giới thiệu di sản trà Việt; tại đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc) tổ chức triển lãm ảnh “Di sản trong lòng Hà Nội” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích…
* Tối cùng ngày, tại Di tích đình Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ trao Quyết định công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm.
Đường Lâm là mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Tại đây, còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý, gồm hệ thống đình, chùa, đền, lăng các danh nhân văn hoá..., đặc biệt là hàng trăm ngôi nhà truyền thống. Có những ngôi nhà có tuổi đời hơn ba thế kỷ. Năm 2005, làng cổ Đường Lâm đã được công nhận là Di tích quốc gia...