Hoạt động giám sát đề cao việc đúng trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực quan trọng, vấn đề được cử tri quan tâm; bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý II/2024 với Thường trực Hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, quy trình, phương thức giám sát được đổi mới, hiệu quả giám sát được tăng cường, hoạt động chất vấn, giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân và giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được đẩy mạnh. Việc ban hành nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp về hoạt động chất vấn, giám sát đã lan tỏa, tạo hiệu lực, hiệu quả thực chất.
Vai trò, hiệu quả công tác giám sát được thể hiện qua việc Hội đồng nhân dân các cấp xem xét các báo cáo thường kỳ của các cơ quan cùng cấp theo quy định để đánh giá toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội...
Hội đồng nhân dân các cấp đã tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề dân sinh còn có tồn tại, vướng mắc; những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, có ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê, là vấn đề được cử tri, người dân đặc biệt quan tâm và đây cũng là địa bàn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi công tác quản lý đối với các cấp chính quyền cũng như sở, ngành chức năng.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giám sát trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, thời gian qua Hội đồng nhân dân thị xã đã giám sát về những vấn đề dân sinh như:
Tình hình thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn; việc chấp hành pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng...; qua đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, để Hội đồng nhân dân thị xã kịp thời có những giải pháp tháo gỡ.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn, Hội đồng nhân dân huyện chú trọng việc chọn nội dung giám sát. Thời gian qua, các vấn đề được lựa chọn để giám sát như: quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng; công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục; việc thực hiện một số chính sách về an sinh xã hội trên địa bàn...
Phương thức tổ chức giám sát mà Hội đồng nhân dân huyện thực hiện là kết hợp nghiên cứu báo cáo, thị sát thực tế với làm việc trao đổi trực tiếp nhằm nắm bắt thông tin, tình hình bằng nhiều kênh, nhiều nguồn, bảo đảm độ chính xác, khách quan. Do vậy, những vấn đề đoàn giám sát nêu, nhất là những hạn chế, khuyết điểm đều có căn cứ, thuyết phục.
Với địa bàn quận Tây Hồ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Lê Thị Thu Hằng cho biết, thông qua giám sát của Hội đồng nhân dân quận đã kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, đồng thời tăng cường việc chấp hành quy định của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước.
Thời gian qua, quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát được hội đồng nhân dân các cấp đặc biệt chú trọng, được phân công, giao lãnh đạo các ban chuyên trách theo từng lĩnh vực.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm đôn đốc, giám sát trả lời kiến nghị của cử tri; việc giải quyết phải thấu đáo, rõ lộ trình, trách nhiệm của cơ quan liên quan.