Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 18/5, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra và cho ý kiến vào một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra và cho ý kiến vào một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra 13 dự án luật, một pháp lệnh và 15 nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc phối hợp kịp thời phát hiện những vướng mắc về cơ chế, chính sách… đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh để tổ chức thực hiện có hiệu quả. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 là ba chương trình mục tiêu quốc gia, vì thế ngay sau khi Quốc hội thông qua, Hội đồng Dân tộc cần khẩn trương, phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện. Về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đồng chí đề nghị bốn cơ quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, xây dựng luật về các nội dung liên quan công tác dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước -0
Đồng chí Phan Đình Trạc chủ trì tọa đàm “Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước”

Chiều 18/5, tại Hà Nội, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chủ trì tọa đàm “Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước”.

Phát biểu ý kiến tổng kết, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, các ý kiến tại tọa đàm đi sâu phân tích thực trạng phân cấp, phân quyền ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra nguyên nhân của bất cập, hạn chế để đề xuất biện pháp khắc phục. Trong đó nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền là cần thiết, nhưng phải phù hợp thực tiễn của đất nước. Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và các bộ, ngành để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, gắn trách nhiệm với công việc được phân công. Một số ý kiến đề nghị, tổ chức lại nhiệm vụ của Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó, giao Chính phủ quản lý vĩ mô, bộ, ngành quản lý đa ngành; bảo đảm nguyên tắc cấp nào có đầy đủ thông tin, năng lực thì giao cấp đó thực hiện nhiệm vụ, nhưng quán triệt theo hướng cấp Trung ương chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo vĩ mô, còn địa phương là cấp trực tiếp triển khai nhiệm vụ... 

Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước -0
Hội nghị phối hợp triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”

Chiều 18/5, tại Hà Nội, phát biểu kết luận Hội nghị phối hợp triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quán triệt về Nghị quyết, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị. 

Đồng chí yêu cầu tổ chức công đoàn nắm chắc tình hình công nhân và người lao động; kịp thời giải quyết những bức xúc của công nhân lao động, góp phần bảo vệ người lao động, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội. Tổng Liên đoàn cần chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào; biên chế cho Công đoàn; chính sách giữ chân và thu hút cán bộ công đoàn; cơ chế cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với người lao động và làm việc với tổ chức công đoàn và công nhân lao động. 

Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước -0
Đồng chí Lê Minh Khái dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ

Sáng 18/5, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết số 11 đưa ra năm nhóm giải pháp với tổng kinh phí khoảng 350.000 tỷ đồng và đến nay có bốn trong năm nhóm giải pháp đã triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách; đồng thời đề nghị cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chính sách an sinh…