Hoàng Tùng - Nhà cách mạng lão thành, cây bút chính luận sắc sảo

Nhà báo Hoàng Tùng thăm ATK Thái <br>Nguyên, nơi ra đời Hội nhà báo tại Roòng <br>Khoa, Điềm Mặc, huyện Định Hoá
Nhà báo Hoàng Tùng thăm ATK Thái <br>Nguyên, nơi ra đời Hội nhà báo tại Roòng <br>Khoa, Điềm Mặc, huyện Định Hoá

Anh Hoàng Tùng đã trên 90 tuổi. Bệnh nặng phải nằm viện gần 2 năm. Tôi năng đến thăm Anh nhưng tin Anh trút hơi thở cuối cùng vẫn làm tôi thảng thốt và bàng hoàng vì Anh có một cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, đồng thời là một nhà báo lão thành  cách mạng với 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, là cây bút chính luận rất sắc sảo,  một hình ảnh đẹp trong lòng nhiều đồng chí, bạn bè và những ai biết Anh.

Lúc nhỏ, tên Anh là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14-1-1920,   tại   xã   Nhân   Hòa,  huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Giác ngộ cách mạng từ sớm, năm 1937, Anh đã phụ trách phong trào Thanh niên Dân chủ ở thành phố Nam Ðịnh. Năm 1940, bị địch bắt, đày đi Sơn La. Trong nhà tù, Anh được kết nạp vào Ðảng. Ra tù năm 1945, Anh tiếp tục hoạt động cách mạng và sau đó, được Ðảng giao nhiều trọng trách: Bí thư Thành ủy Hà Nội (1945); Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1946); Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ; Phó trưởng ban Ðảng vụ Trung ương (nay là Ban Tổ chức T.Ư); Phó trưởng Ban thi đua Trung ương (6-1948); Phụ trách Văn phòng đồng chí Tổng Bí thư của Ðảng 1951; 1951-1953 đồng chí đi học lý luận ở Trung Quốc, Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng (1953); Chủ nhiệm Báo Sự Thật (1950); Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (1954 - 1982); Bí thư Trung ương Ðảng, phụ trách công tác tư tưởng văn hóa (1982 - 1986). Hoàng Tùng là nhà hoạt động cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho Ðảng, kể cả những năm tháng nghỉ hưu và thời gian dài nằm trên giường bệnh, Anh vẫn rất thanh thản và tinh thần luôn gắn bó với đất nước, với thời cuộc, đồng chí và bè bạn.Hoàng Tùng đồng thời là một trưởng lão làng báo Việt Nam. Anh đã tham gia viết báo từ rất trẻ, với tờ Suối Reo trong nhà tù Sơn La cùng với đồng chí Trần Huy Liệu, Xuân Thủy.

Ra tù, về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy, Anh viết báo Kiến Thiết; về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, viết Báo Dân Chủ, v.v.  Sau khi Báo Nhân Dân ra đời tại Việt Bắc, Anh làm Tổng Biên tập và gắn bó với báo Ðảng suốt 30 năm.Hoàng Tùng là học trò gần gũi và được Bác Hồ kèm cặp nhiều nhất, vì Bác chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên báo Ðảng.Hoàng Tùng đã trở thành cây bút chính luận xuất sắc của Báo Nhân Dân và cũng là của cả làng báo Việt Nam trong thời gian hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Mỗi lần Cách mạng Việt Nam có bước ngoặt quan trọng, hoặc sự kiện lớn, thế nào báo Ðảng cũng có bài xã luận, nhiều bài do Anh, Tổng Biên tập viết, vì Anh là người nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước và Anh còn có thế mạnh là viết rất nhanh, sắc sảo, hùng hồn mà không sáo rỗng nhờ lập luận chặt chẽ, cứ liệu chính xác. Ðiều đó, làm cho văn chính luận không khô khan mà đầy sức thuyết phục lòng người. Sức viết của Anh rất khỏe. Với nhiều bút danh khác nhau như Người bình luận, Người quan sát, Chính nghĩa, Chiến hữu, Anh đã viết cả ngàn bài xã luận, chính luận của báo Ðảng.

Tôi kém Anh 6 tuổi, hoạt động cách mạng sau Anh, được biết Anh từ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, nhưng mãi đến đầu những năm 1950 mới trực tiếp làm việc với Anh, tại căn cứ địa Việt Bắc. Khi đó, tôi vừa dự chỉnh phong từ Trung Quốc về và công tác tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Còn Anh thì công tác tại Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh và sau đó làm Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng. Thi thoảng, tôi được đồng chí Nguyễn Chương, Phó Giám đốc Trường Ðảng giao nhiệm vụ lên báo cáo tình hình học tập ở trường với Tổng Bí thư và đề nghị nội dung bài giảng hoặc bài giải đáp.

Thời gian được làm việc với Anh dài tới gần nửa thế kỷ là thời gian Anh và tôi đều làm công tác tuyên huấn ở Trung ương Ðảng. Anh là thủ trưởng của tôi. Ðây là cơ hội để tôi hiểu cũng như học hỏi nơi Anh. Anh là một cán bộ cách mạng lão thành rất nghiêm túc về quan điểm và về nguyên tắc. Anh là học trò trung thành và gần gũi của Bác Hồ, kiên định con đường cách mạng XHCN, đồng thời kịp thời đổi mới tư duy. Là  Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Anh đã sớm nhận ra nguyên nhân thực sự của mô hình kinh tế cũ, quan liêu bao cấp là không phù hợp. Anh đã từng viết: "Nhờ có viện trợ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc những điều không ổn chưa bộc lộ. Sai lầm lớn của các nước xây dựng XHCN đi trước, nói chung, đều là những nước chậm phát triển, bắt đầu từ nền kinh tế nông nghiệp còn ở giai đoạn tự cấp, tự túc đã muốn xông thẳng đến CNCS.

Công hữu hóa cực đoan toàn bộ tư liệu sản xuất. Nhà nước nắm trọn quyền quản lý sản xuất, phân phối, bãi bỏ kinh tế thị trường, xây dựng một nền kinh tế đóng kín với thế giới, làm triệt tiêu các động lực, tinh thần sáng tạo của người lao động, bất chấp các quy luật kinh tế, nền sản xuất ngày càng kém hiệu quả, nền kinh tế thiếu hụt kéo dài dẫn đến khủng hoảng".

Với quan điểm đó, từ cương vị trên, Hoàng Tùng đã cổ vũ đổi mới, bằng cách đưa hàng loạt bài về khoán nông nghiệp, các điển hình tiên tiến như Ðoàn Xá ở Thái Bình, và các đơn vị làm ăn giỏi ở các tỉnh thành phố Hải Phòng, Vĩnh Phúc lên báo Ðảng.

Anh còn tổ chức hàng loạt những Hội nghị chuyên đề, phục vụ sự nghiệp đổi mới không những trong nông nghiệp mà còn cả trong công nghiệp, sản xuất, phân phối, lưu thông.

Cuộc sống của Anh giản dị, gần gũi và thân mật với cộng sự. Khi làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, hàng năm Anh có mời một số cộng tác viên thân thiết của báo, trong đó có cán bộ của Ban Tuyên huấn Trung ương, đến ăn cơm với món truyền thống thịt cầy do Báo Nhân Dân "tự chế biến". Anh nói đùa: Sau này, khi được nghỉ hưu, mình sẽ mở cửa hàng thịt cầy để chiến hữu "đánh chén".

Khi cả Anh và tôi cùng về hưu, chúng tôi lại có dịp cộng tác với Anh gần 20 năm nữa, từ năm 1991 đến nay. Tuần một bài, khi còn khỏe, Anh viết bài cho Thời báo Kinh tế Việt Nam về các vấn đề chính trị thời cuộc, gắn chặt với đời sống. Với cách lập luận rất logic chặt chẽ, Anh đã phân tích một cách giản dị, phổ thông các vấn đề rất lớn của đất nước và thời cuộc, các quan điểm lý luận gắn với những thời điểm những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Trong thời gian Anh bệnh nặng, tôi thường xuyên đến thăm Anh. Anh luôn lạc quan, yêu đời và đầu óc luôn gắn với thời cuộc đất nước và quốc tế.

Anh Hoàng Tùng đã đi xa, để lại tấm gương sáng của người cách mạng lão thành, một nhà báo lão luyện với đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè.  Bài viết này  thay nén nhang viếng Anh, chia buồn cùng gia đình.