Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là di sản thế giới

Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là di sản thế giới

* Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng đưa di tích Hoàng thành Thăng Long vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Theo ông, khi nào kế hoạch này có thể thành hiện thực?

- Phải nói rằng, Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều tiềm năng được công nhận là di sản thế giới. Khu vực này có giá trị văn hoá và lịch sử vô cùng quan trọng và theo Công ước về di sản văn hoá thế giới, hoàn toàn có thể được xem là di sản văn hoá của nhân loại.

Nhưng với những gì được chứng kiến khi đến thăm, tôi phải thừa nhận một điều là công việc khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long mới chỉ là bắt đầu.

Có hai vấn đề chính mà Việt Nam cần phải tiến hành. Thứ nhất phải chỉ rõ khu vực nào sẽ được đệ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hoá thế giới, với diện tích là bao nhiêu. Hiện nay có rất nhiều các công trình xây dựng quanh khu vực khảo cổ đó.

Vấn đề thứ hai là kế hoạch quản lý. Việt Nam sẽ làm thế nào để bảo tồn khu vực Hoàng thành đó. Chỉ khi hai vấn đề trên được giải quyết, thì mới có thể tính đến việc đệ trình yêu cầu.

Ngày 27-7, Tổng Giám đốc UNESCO Matsuura đã đến chào Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Cùng ngày, ông Matsuura và quyền Bộ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO trong giai đoạn 2006 - 2010.

UNESCO xem đây là dự án mang tính dài hạn và sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc bảo tồn di tích này, cũng như giúp đưa Hoàng thành vào danh sách di sản thế giới.

* Việt Nam đang đề nghị UNESCO công nhận văn hoá cồng chiêng của Tây Nguyên là di sản văn hoá thế giới. Theo ông, triển vọng của dự án này như thế nào?

- Đây là một ứng viên xuất sắc trong số 60 đơn đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hoá. Nhưng để đưa được ra quyết định cuối cùng, UNESCO sẽ phải dựa vào đánh giá của các tổ chức phi chính phủ (NGO), đồng thời lập Ủy ban Thanh tra quốc tế (gồm 18 chuyên gia của UNESCO) để tiến hành đánh giá và đưa ra khuyến nghị về các ứng cử viên trên.

Bản thân tôi rất yêu thích văn hoá cồng chiêng của Việt Nam, nhưng điều đó còn tuỳ thuộc vào đánh giá của các chuyên gia. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 11 tới.

Hiện vật tại di tích Hoàng thành.

Trước đây, Việt Nam đã rất thành công đưa nhã nhạc Huế trở thành di sản thế giới, và tôi hy vọng Việt Nam có thể tiếp tục áp dụng kinh nghiệm này để đạt được sự thành công cho kế hoạch công nhận di sản văn hoá thế giới cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

* UNESCO và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ về giáo dục. Ông có nhận xét gì về nền giáo dục của Việt Nam, vốn đang bị nhiều chỉ trích về chất lượng?

- Không một nền giáo dục nào trên thế giới là hoàn thiện. Ngay cả hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng có rất nhiều vấn đề nội tại. Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong giáo dục, như phổ cập giáo dục tiểu học, sắp tới là trung học và đặc biệt là tỷ lệ nhập học bậc tiểu học rất cao. Nhưng tôi nghĩ, Việt Nam cần chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục để bắt kịp không chỉ yêu cầu trong nước, mà còn của thế giới.