Hoàng thành Thăng Long và 950 năm Quốc hiệu Đại Việt

Viên gạch có chữ<br>"Đại Việt quốc quân thành chuyên".
Viên gạch có chữ<br>"Đại Việt quốc quân thành chuyên".

Một quốc hiệu đi cùng nghìn năm Thăng Long:

Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng mùa đông năm Giáp Dần, tức năm 1054, nhằm ngày mùng một tháng mười âm lịch, Lý Thánh Tông ngay sau khi lên ngôi đổi quốc hiệu là Đại Việt. Như vậy năm nay chính là 950 năm quốc hiệu Đại Việt ra đời.

Các tài liệu thiên văn cũng chép rằng năm này trên trời xuất hiện một vì sao sáng chói nhiều ngày mới tắt. Khoa học ngày nay cũng xác định đó là một ngôi sao siêu mới (Super-novae) mà tàn dư bức xạ của nó vẫn còn đến ngày nay. Sự kiện này được nêu trong các sách thiên văn cổ Trung Quốc và các sách thiên văn hiện đại trong đó có sách thiên văn của GS Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc Đài Thiên văn Meudon, Paris, Pháp.

Đây là quốc hiệu lâu nhất trong lịch sử Việt Nam cùng với Hoàng thành Thăng Long từ năm 1054 cho đến hết năm 1804 khi ra đời quốc hiệu Việt Nam. Mặc dầu hai chữ Việt Nam xuất hiện từ 500 năm trước với trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những tấm bia cổ, nhưng năm nay cũng chính là 200 năm ra đời quốc hiệu Việt Nam trong quan hệ bang giao với Trung Quốc.

Viên gạch mang quốc hiệu Đại Việt Hoàng thành Thăng Long

Trước quốc hiệu Đại Việt, không quốc hiệu nào để lại dấu tích trên các di tích khảo cổ nào được tìm thấy. Nhận định này đúng kể cả với quốc hiệu gần nhất là Đại Cồ Việt (968), ra đời trước quốc hiệu Đại Việt 76 năm. Giờ đây trong Hoàng thành Thăng Long, chúng ta tìm thấy viên gạch mang hàng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" (Gạch xây dựng quân thành nước Đại Việt).

Sự xuất hiện của viên gạch ở Hoàng thành Thăng Long đáng lẽ phải gây ra sự chú ý đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu. Đó là viên gạch mang quốc hiệu Đại Việt lại được phát hiện ở Hoàng thành đúng vào dịp 950 năm quốc hiệu Đại Việt ra đời.

Thế nhưng, trong cuộc triển lãm các hiện vật của Hoàng thành mới khai quật vừa qua (triển lãm đóng cửa vào ngày 31-10-2004), viên gạch lại chỉ được ghi chú một cách đơn giản: "Gạch khắc chữ, đất nung, thời Đại La (TK VII - IX)". Trong khi đó, theo sử chép, quốc hiệu này ra đời giữa thế kỷ thứ XI (1054).

Chính vì không có hướng dẫn, những người đến tham quan không chú ý gì nhiều đến viên gạch hết sức quan trọng này.

Tại sao lại có chú thích kỳ lạ như vậy đối với viên gạch?

Vài thập kỷ trước đây, khi khai quật di tích thành cổ Hoa Lư, người ta cũng phát hiện ở đó có những viên gạch giống hệt như vậy. Ai cũng biết kinh đô Hoa Lư là của nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng). Tiếp đó là của nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành). Ở thời này quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Chính vì thế có nhà sử học cho rằng quốc hiệu Đại Cồ Việt chỉ là sự chép nhầm của các sử gia sau này. Bởi nếu có quốc hiệu Đại Cồ Việt ở Hoa Lư, các viên gạch sẽ phải mang quốc hiệu này. Nhà sử học này, từ đó, khẳng định thời kỳ Hoa Lư nước ta đã có quốc hiệu Đại Việt.

Thế nhưng bây giờ chúng ta lại thấy có viên gạch mang quốc hiệu Đại Việt ở Hoàng thành Thăng Long. Viên gạch này chắc chắn không phải do các triều Đinh, Lê trước đây mang đến mảnh đất chưa dời đô này. Thêm nữa khi sử chép, năm 1054, Lý Thánh Tông "đổi quốc hiệu là Đại Việt". Vậy trước đó là quốc hiệu gì nếu không phải là Đại Cồ Việt?

Tuy nhiên, nếu bảo viên gạch Đại Việt ở Hoàng thành Thăng Long chỉ có thể ra đời sau khi đã có quốc hiệu Đại Việt, tức sau 1054, sẽ giải thích thế nào về sự có mặt của viên gạch cùng tên gọi ở Hoa Lư?

Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Trường Yên. Tên gọi này được giữ cho một vị trí trong Hoàng thành Thăng Long mà ngày nay các bản đồ cổ còn ghi lại.

Hoa Lư mặc dầu không còn là đế đô nhưng vẫn là quân thành quan trọng. Bởi thế Lý Thái Tổ giao Hoa Lư cho con trai là Khai Quốc Vương (tức hoàng tử Bồ) trông giữ. Ngày 3-3-1028, Lý Thái Tổ mất. Thái tử Phật Mã nối ngôi.

Ngày mười lăm tháng ba, Khai Quốc Vương làm phản. Mùa hạ tháng tư, Phật Mã, tức Lý Thái Tông, mang quân đi đánh phủ Trường Yên. Khai Quốc Vương hàng. (Đại Việt Sử ký toàn thư, tập I, in lần thứ hai, NXB Khoa học Xã hội, HN 1972, trang 203-204).

Đoạn sử liệu trên cho thấy thành Hoa Lư, tức phủ Trường Yên, vẫn là quân thành quan trọng. Những ai được trông giữ nơi ấy, dựa vào địa thế điểm yếu dễ có tư tưởng làm phản để tấn công vào Thăng Long nơi không có địa thế hiểm trở. Chắc hẳn vì những lý do đó, sau khi lên ngôi , Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt và cho gắn những viên gạch mang quốc hiệu này ở Hoàng thành Thăng Long cũng như ở Hoa Lư để khẳng định tính thống nhất của quốc gia Đại Việt.

Viên gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long rõ ràng cần được chú ý hơn nữa để giải quyết vấn đề quốc hiệu của nước ta trong suốt bề dày lịch sử đúng vào dịp 950 năm ra đời quốc hiệu này và dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới.