Hoàng Su Phì - miền ruộng bậc thang kỳ ảo

Hoàng Su Phì, chốn non cao hùng vĩ, thơ mộng giữa mây trời bao la như được vẽ ra từ giấc mộng. Thiên nhiên hoang sơ, mơ màng, ruộng bậc thang uốn lượn tựa những nấc thang nối đất với trời.
0:00 / 0:00
0:00
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Gió phóng khoáng tràn khắp núi đèo, suối róc rách ngày đêm hòa nhịp khói lam chiều nhẹ bay lên từ nóc những ngôi nhà sàn mộc mạc. Ở đây, thời gian dường như ngưng lại, khiến con người cảm tưởng có thể lắng nghe nhịp thở của núi, của rừng, của những con người tần tảo sớm khuya.

Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Cách đây chỉ ít năm, nhắc tới Hoàng Su Phì - huyện phía tây đầy khó khăn của tỉnh Hà Giang - là người ta nhớ đến những cung đường hiểm trở, những bản làng heo hút ẩn mình trong sương.

Giờ đây, theo nhịp chân du khách, đến với miền đất này không chỉ để khám phá phong cảnh, mà mở ra hành trình về với những giá trị nguyên sơ, kiếm tìm sự kết nối sâu sắc hơn với bản sắc, con người. Mùa xuân ở Hoàng Su Phì bảng lảng, huyền bí.

Mới sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên chạm vào từng lớp sương mờ bao phủ những dãy núi hùng vĩ, cả không gian khẽ khàng bừng tỉnh. Cảnh vật trong sương dần lộ ra xanh mướt, mơn man, bình yên đến lạ kỳ. Nước từ các suối mạch trong lành êm ả rót đều lên từng dải lụa ruộng bậc thang xanh mướt vắt ngang những triền núi.

Trong mưa xuân, sức sống mùa màng trỗi dậy, khoác lên mình sắc non xanh lúa mới. Mỗi đợt gió ùa từ non cao xuống thung lũng, từng đợt sóng lúa lại nối nhau rập rờn. Nắng ban mai khiến mầu xanh càng thêm tươi mới qua từng vệt sáng lung linh như nét cọ phẩy lên từng vạt lúa, như những sợi chỉ vàng tinh tế đan xen.

Trong từng mảnh vườn, bên hàng rào tường đá, hoa đào, lê, mận đua nhau nở rộ, hòa nhịp tinh khôi. Mỗi nhành hoa rung rinh trong gió xuân phơi phới, mong manh mà chứa chan nhựa sống.

Ðón chúng tôi là Triệu Mềnh Quyên, chủ nhân của Hoàng Su Phì Bungalow và Dao’s Homestay. Ánh mắt anh rưng rưng niềm vui, không nghĩ khách lên sớm thế. Chung quanh, những đứa trẻ trong bản ríu rít chào đón khách phương xa.

Mời khách vào ngay bên bếp lửa, giọng chủ nhà trầm ấm, hào sảng kể chuyện bản năm nay ăn Tết thế nào, còn dành đặc sản gì chờ khách. Khói quyện mùi thịt gác bếp, cơm lam hương gạo nếp thơm lừng, tiếng cười nói rộn ràng khắp không gian ấm cúng. Chủ nhà, khách xa hòa vào không khí chân thành, giản dị mà lắng sâu.

Triệu Mềnh Quyên người dân tộc Dao đỏ, từ một thanh niên mến khách đã trở thành người tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng, mang lại sự đổi thay cho gia đình và cộng đồng thôn bản nơi mình sinh ra. Tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trường Ðại học Kinh tế Quốc dân, Quyên trở về quê hương, cùng anh trai khởi nghiệp từ việc đầu tiên là cải tạo ngôi nhà truyền thống của gia đình thành một điểm dừng chân thân quen cho du khách.

Những ngày đầu đầy bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng với tấm lòng mến khách, sự chăm sóc tận tình… cơ sở của gia đình dần phát triển tốt, anh cùng thanh niên thôn bản học hỏi thêm nhiều kỹ năng cần thiết, từ quản lý đến giao tiếp, kiến thức ẩm thực, tổ chức tour du lịch… giúp họ xây dựng nên một hệ sinh thái bền vững và thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng Nậm Hồng vào năm 2017. Giờ đây, gia đình anh có thu nhập ổn định, khoảng hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Toàn huyện Hoàng Su Phì hiện có trên 3.720 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24 xã, thị trấn, trong đó có 675 ha đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang tại 11 xã gồm: Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Thàng Tín, Nậm Khòa, Pố Lồ, Bản Nhùng, Tả Sử Choóng…

Từ năm 2017, huyện đã bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch văn hóa gắn với di sản ruộng bậc thang. Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất chính là Tuần văn hóa du lịch "Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì" được tổ chức vào mùa thu hằng năm, là mùa lúa chín mang đến một không gian văn hóa đầy mầu sắc.

Ðược tổ chức quy mô cấp tỉnh, huyện đã chuẩn bị rất chu đáo để mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ. Những hoạt động phong phú, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân gian được tổ chức xuyên suốt, bên cạnh tôn vinh giá trị di sản ruộng bậc thang, còn giới thiệu sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch trong những năm tới.

Du khách hòa mình vào những màn đồng diễn tập thể "Hoa trên rẻo cao" với biểu tượng là những loài hoa đại ngàn khoe sắc. Cùng với đó là các hội thi về trà Shan tuyết, làm bánh dầy, đặc sản truyền thống địa phương, giao lưu văn nghệ. Bên cạnh đó, còn có trải nghiệm đặc sắc "bay dù lượn trên mùa vàng" giúp du khách ngắm nhìn từ trên cao vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Sự kiện trở thành ngày hội lớn của cả huyện, quy tụ các hoạt động văn hóa đặc sắc, từ chợ phiên đến hội thi văn nghệ truyền thống, đặc biệt nhất là các nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc. Hoàng Su Phì là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống phong phú. Với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, huyện có một kho tàng văn hóa độc đáo ít nơi nào có được.

Các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc H'Mông, Lễ hội Bàn Vương của người Dao, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày đều mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao, tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng.

Với sáu làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có những làng tiêu biểu như: Nậm Hồng (Thông Nguyên), Tân Phong (Hồ Thầu), Na Léng (Bản Phùng)..., Hoàng Su Phì đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích vẻ đẹp bình dị của vùng cao.

Hoàng Su Phì - miền ruộng bậc thang kỳ ảo ảnh 1

Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Bản sắc đa dạng

Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công của các dân tộc, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa phong phú với nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử miền đất, con người, quy trình chế tác độc đáo được tái hiện ngay tại chỗ.

Người dân tộc Nùng xã Nàng Ðôn, Pờ Ly Ngài say mê từng đường nét chạm khắc bạc đầy tinh tế, hay những nghệ nhân Tày xã Nam Sơn khéo léo trình diễn nghệ thuật rèn đúc với những nhát búa mạnh mẽ. Những sản phẩm đan lát của người H'Mông ở xã Thèn Chu Phìn cũng làm say lòng người với sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Không thể không nhắc đến sản phẩm tre trúc của xã Nậm Dịch, thêu thổ cẩm của người Dao tại xã Hồ Thầu hay những chiếc áo thổ cẩm đầy mầu sắc của người Cờ Lao từ xã Túng Sán, tất cả như một bức tranh sống động về sự sáng tạo và khéo léo của các dân tộc nơi đây.

Trong chuỗi hoạt động sinh thái xuyên suốt các xã, thị trấn trong huyện, du khách có cơ hội trải nghiệm những hoạt động thú vị, như bắt cá chép ruộng và khám phá thác bốn tầng hùng vĩ tại xã Nậm Khòa, tham quan vườn chè cổ thụ.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Hoàng Su Phì đã chủ động phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tập trung vào bốn nhóm chính: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch thể thao mạo hiểm. Ðặc biệt, với du lịch cộng đồng, huyện đã ưu tiên đầu tư kinh phí để hỗ trợ các trang thiết bị cho nhà văn hóa tại các làng văn hóa du lịch, xây dựng đội văn nghệ truyền thống, đồng thời tạo dựng không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ðối với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, huyện tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức cá nhân tham gia phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, tập trung vào các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi và mua sắm, với mục tiêu từng bước nâng cấp hệ thống dịch vụ để biến danh thắng quốc gia, đặc biệt là khu vực ruộng bậc thang, thành một khu du lịch cấp tỉnh.

Song song với những nỗ lực đó, huyện triển khai Dự án xây dựng hạ tầng Tổ hợp Du lịch Mạo hiểm trên không Bảo Yến, tại các xã Nậm Ty và Thông Nguyên, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch mới mẻ và hấp dẫn.

Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian và các chương trình văn nghệ đặc sắc luôn được duy trì và phục dựng, góp phần tạo điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ minh chứng cho kỳ công lao động mà còn là biểu tượng của vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn chứa đựng trong từng câu chuyện về một cộng đồng bền bỉ, luôn vươn lên giữa những khắc nghiệt của thiên nhiên. Khi màn đêm buông xuống, bên bếp lửa hồng, ông chủ homestay Triệu Mềnh Quyên vẫn say sưa chuyện trò cùng du khách. Câu chuyện rưng rưng một tình yêu sâu đậm dành cho miền đất nằm lưng chừng núi cao, mây trắng mơ màng, lơ lửng và tiếng vó ngựa vẫn vang vọng trong không gian tĩnh lặng.

"Mùa lúa chín, cả vùng trời đất óng ánh như dát vàng. Yêu thương lắm, tự hào đến nghẹn ngào", giọng Triệu Mềnh Quyên ngắt quãng vào đêm.

Mỗi ngày trôi qua, cư dân nơi đây vẫn lên nương, trồng lúa, hái chè, chăm sóc rừng, tiếng vó ngựa rộn ràng khắc khoải từ ngày hội cho đến lễ nhảy lửa huyền bí như nghi thức gọi mời, như đón chào nồng ấm.

Miền ruộng bậc thang trên mây ấy - nơi mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn đều khiến con người cảm giác được hòa vào nguồn cội, nơi không gian và thời gian quyện thành khúc nhạc du dương trong vẻ đẹp nguyên sơ, trong trẻo.