Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ cách TP Hà Giang khoảng 50 km, gồm 7 thôn. Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám nằm ở thôn Hợp Tiến, vừa là nơi chị em người H’Mông tập trung sản xuất và trưng bày sản phẩm, vừa đón du khách trải nghiệm. Thôn làng nhỏ với hơn trăm nóc nhà mộc mạc nằm giữa một thung lũng có sông Miện chảy qua, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt hơn, nơi đây đang lưu giữ và phát huy nghề trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm, không chỉ đem lại thu nhập nâng cao đời sống bà con mà còn nâng tầm và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa của đồng bào H’Mông.
Theo các nghệ nhân Lùng Tám, quy trình dệt lanh trải qua khoảng 40 bước kỳ công, từ gieo hạt, thu hoạch, bóc tách sợi, se lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, giặt, phơi, nhuộm. Mỗi tấm vải đều chứa đựng tâm huyết của người phụ nữ H’Mông, những người coi lanh là biểu tượng của sự sống và văn hóa truyền thống. Chị em sử dụng mầu nhuộm tự nhiên từ cỏ cây, núi rừng, tạo ra những tấm vải mang vẻ đẹp độc đáo. Để làm nên những hoa văn rất riêng, người H’Mông dùng bộ bút vẽ (được chế tạo thủ công) chấm vào sáp ong nấu chảy và kẻ lên vải, ban đầu là đường thẳng, rồi đến hình tam giác, trôn ốc, hình đồng tiền, chữ thập, chân chim để kể lại những câu chuyện về thiên nhiên, mùa màng và tín ngưỡng của cả cộng đồng. Theo phong tục, mỗi phụ nữ H’Mông nhất thiết phải tự làm cho mình ít nhất một bộ trang phục từ lanh.
Giờ đây, truyền thống ấy vẫn được giữ gìn. Các bà, các mẹ, các chị người H’Mông ở Lùng Tám còn tạo ra các sản phẩm phục vụ du khách như khăn, ví, túi, váy áo thời trang, vỏ gối, tranh tường. Đứng giữa không gian làng nghề, ngắm nhìn từng đường thêu nét nhuộm hiện ra từ những đôi tay chai sần khéo léo, các vị khách sẽ thêm hiểu và khâm phục sự tỉ mỉ, sáng tạo của đồng bào. Nếu có dịp ghé Hà Giang, bạn đừng quên có một làng nghề dệt lanh Lùng Tám đã và đang tô điểm cho sắc mầu văn hóa H’Mông thêm rực rỡ giữa miền cao nguyên đá.