Hoang hóa các di tích lịch sử tại Đắk Nông

NDO -

Do còn nhiều hạn chế trong quá trình đầu tư, thiếu đồng bộ, công tác quản lý và vận hành còn bất cập… nên các di tích lịch sử tại Đắk Nông chưa phát huy được giá trị, ý nghĩa. Hiện nay, hầu hết các di tích đã ngừng hoạt động do hư hỏng nghiêm trọng, có những điểm di tích đã hư hỏng hoàn toàn trở nên hoang hóa, chỉ còn lại “dấu tích”.

Điểm di tích Văn phòng làm việc Ban Cán sự liên tỉnh IV, Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hoang phế.
Điểm di tích Văn phòng làm việc Ban Cán sự liên tỉnh IV, Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hoang phế.

Đắk Nông hiện có 13 di tích lịch sử, trong đó có 9 di tích lịch sử cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, những năm qua, Đắk Nông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng, phục dựng, tôn tạo các di tích hoặc một số hạng mục di tích để đưa vào vận hành nhằm phát huy ý nghĩa, giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong tỉnh và phục vụ việc nghiên cứu khoa học, tham quan của du khách trong nước và quốc tế; kết hợp với hoạt động du lịch nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế của Đắk Nông đến doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương… Tuy nhiên, kết quả đạt được lại không như mong muốn.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV tại huyện Krông Nô được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với hơn 28 tỷ đồng, trên tổng diện tích khuôn viên 32.140m2 và 2.390m đường vào các khu di tích, bao gồm 9 hạng mục lớn như: khu khánh tiết, di tích hố bom địch oanh tạc năm 1961, công sự bảo vệ văn phòng liên tỉnh IV, văn phòng làm việc ban cán sự B4, trạm y tế quân y…

Dự án được phê duyệt quyết toán hoàn thành năm 2019. Đến năm 2020, thời điểm Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông bàn giao về cho huyện Krông Nô quản lý thì toàn bộ di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể vận hành, phần lớn các hạng mục đã hư hỏng không thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, hầu hết các hạng mục của di tích hư hỏng hoàn toàn, thế chỗ di tích là cỏ cây hoang tàn.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Nô Lê Văn Quân cho biết, Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là di tích lịch sử cấp quốc gia mới được Sở Văn hóa, Thể theo và Du lịch bàn giao về cho huyện quản lý, sử dụng và vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết các hạng mục của di tích tại thời điểm bàn giao đã hư hỏng, xuống cấp không thể vận hành được. Sau khi nhận bàn giao địa phương đã thành lập Ban quản lý di tích, bàn giao cho Trung tâm Văn hóa trực tiếp trông coi. Huyện cũng bố trí kinh phí sửa chữa nhỏ một phần mái nhà của Khu điều hành và trưng bày để chống xuống cấp nhanh chóng của công trình. Hiện nay, nhiều hạng mục đầu tư xây dựng bằng bê-tông cốt thép đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng không thể vận hành được, các hạng mục đầu tư bằng tranh tre đã mục nát, chỉ còn lại dấu tích, cây cỏ mọc hoang hóa rất phản cảm. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, ý nghĩa của di tích đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí kinh phí để sửa chữa, tôn tạo lại toàn bộ mới có thể hoạt động trở lại.

Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Đắk Mil, huyện Đắk Mil được tôn tạo, phục dựng bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương với gần 10 tỷ đồng, trên tổng diện tích khuôn viên hơn 7.000m2, gồm 13 hạng mục như: nhà trưng bày giới thiệu di tích, nhà ngục phục dựng, bia tưởng niệm, chòi canh, hàng rào, cổng, bến nước, đường ra bến nước...

Dự án được khởi công năm 2006 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1011. Đến năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông bàn giao về cho huyện Đắk Mil quản lý và vận hành trong tình trạng nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, đất vùi lấp đường bê-tông hiện trạng, người dân xâm lấn đất nên việc quản lý, vận hành sau khi nhận bàn giao chỉ mang tính bảo vệ, duy trì hiện trạng, chống xuống cấp nhanh chứ không phát huy tốt được giá trị, ý nghĩa của di tích.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Đắk Mil Ngô Văn Khoa cho biết, qua tham khảo tài liệu lưu trữ từ Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, trong thời gian 10 năm qua, hoạt động của Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil không hiệu quả, do không được quan tâm duy tu, bảo dưỡng. Cùng với đó, tại thời điểm bàn giao nhiều hạng mục đã xuống cấp, không bàn giao biên chế có chuyên môn nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của đơn vị là phải chấp hành nhận bàn giao, không vì mục đích lợi nhuận. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức quản lý và vận hành, nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp nên cũng chỉ đón nhận khách tham quan là các cháu học sinh trên địa bàn và thanh thiếu niên địa phương đến với mục đích phục vụ học tập, về nguồn nhân các ngày lễ trong năm.

Di tích lịch sử Một số địa điểm trong phong trào chống Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo được Chính phủ quyết định xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 2007. Di tích có hai địa điểm là đồn Bu Méra thuộc địa phận thôn 8, xã Đắk Buk So và bon Bu Nor thuộc bon Bu Nor, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức. Đến nay, điểm bon Bu Nor chưa tôn tạo, điểm còn lại  đồn Bu Méra đã được tôn tạo, phục dựng  gia đoạn 1 gồm các hạng mục như: nhà quản lý di tích, cổng, tường rào, hào lũy của đồn, giao thông tuyến số 1, với kinh phí đầu tư hơn 7,2 tỷ đồng.

Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông bàn giao về cho huyện Tuy Đức tiếp nhận bảo tồn, vận hành theo quy định nhằm phát huy giá trị, ý nghĩa của di tích. Tuy nhiên, huyện Tuy Đức không tiếp nhận với lý do các hạng mục của giai đoạn 1 đã đầu tư nhưng chưa hoàn thiện, không đồng bộ, chưa được quyết toán hoàn thành. Hiện nay các hạng mục đã đầu tư đang bị xuống cấp, bỏ bê, trở nên vô chủ.

Hoang hóa các di tích lịch sử tại Đắk Nông -0
Di tích hoang hóa tại Đắk Nông. 

Ngoài việc các di tích đã được đầu tư hoàn thành đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử đồng loạt bị xuống cấp, ngừng hoạt động thì các địa điểm xây dựng bia tưởng niệm cũng gây phản cảm không kém. Hầu hết các điểm đặt bia tưởng niệm chỉ được quan tâm lau dọn sạch sẽ vào ngày lễ trọng, các ngày còn lại trong năm bị bỏ bê, rêu mốc, nhếch nhác. Hiện phần lớn đất quy hoạch các di tích trên toàn địa bàn đang là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp của người dân đang sử dụng, đất do quốc phòng đang quản lý, một phần đất các di tích đã bị lấn chiếm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông Nguyễn Ngọc Quang cho biết, kinh phí phục dựng, tôn tạo di tích chủ yếu là nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, do được xây dựng đã nhiều năm nhưng không có kinh phí để trùng tu, sửa chữa dẫn đến bị xuống cấp. Mặt khác, đây là các di tích lịch sử nên một số hạng mục được phục dựng bằng tranh nứa nên bị xuống cấp theo thời gian, có nhiều điểm di tích nằm khá xa trung tâm nên khó khăn trong việc vận hành, quản lý… Trong khi đó, địa phương không có nguồn kinh phí để sửa chữa. Hiện các di tích đã bàn giao về cho các địa phương quản lý và vận hành, các địa phương cũng đã đề xuất kinh phí từ nguồn vốn trung hạn, khi được phê duyệt sẽ tiến hành sửa chữa.  

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử là để giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, tri ân các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nếu chính quyền địa phương Đắk Nông không sớm có giải pháp căn cơ, khắc phục thực trạng hiện nay, thì di tích có nguy cơ trở thành “phế tích”.