Hoàn thiện thể chế để dầu khí phát triển

NDO -

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển”, với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia và doanh nghiệp liên quan.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 420 triệu tấn dầu và hơn 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách, chiếm 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách (trong đó từ dầu thô là 5-6%, 10-13% GDP cả nước), qua đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro,…

Bên cạnh những khó khăn trên, việc thiếu những cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành dầu khí phát triển phù hợp với tình hình thực tế đang chiếm vai trò hết sức quan trọng; nếu không sớm sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách, rất khó có thể hiện thực hóa giá trị tài nguyên dầu khí thành nguồn lực để phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, Luật Dầu khí ra đời năm 1993, sửa đổi lần đầu năm 2000, lần thứ hai năm 2008 đã góp phần giúp cho hoạt động ngành dầu khí phù hợp với khung pháp lý, đóng góp cho ngân sách, kinh tế phát triển, đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, luật này cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung do một số luật ra đời sau như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đều có sự chồng chéo.

Nếu không kịp thời xử lý, hoạt động của ngành dầu khí sẽ phải đối mặt với sự giảm hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư, bởi vùng hoạt động đang bị thu hẹp dần. Mặc dù tiềm năng dầu khí vẫn được khẳng định nhưng chưa đạt mức như kỳ vọng. Các dự án phát triển theo chuỗi đang gặp khó khăn, phải tích hợp nhiều khung pháp lý, tích hợp rất nhiều luật, dẫn đến sự chậm trễ không mong muốn. Sản lượng dầu đang suy giảm, nhưng chưa có cách sớm đưa các mỏ, mỏ cận biên để bù đắp cho sự suy giảm đáng kể về sản lượng hiện nay,...

Chính vì vậy, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung các thể chế sẽ giúp ngành dầu khí phát triển, trong đó, cần tích hợp với tất cả các luật, làm sao giúp cho hoạt động dầu khí đạt được yêu cầu như mong đợi. Nếu luật mới ra đời với các cơ chế thông thoáng không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà ngành dầu khí còn tiếp tục đóng góp lớn hơn cho ngân sách Nhà nước,...