Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em

NDO - Theo nhận định của một số chuyên gia, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã có những quy định mới, tiến bộ về bảo vệ trẻ em. Qua đó, giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, nhằm bảo vệ an toàn cho các em, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích trong giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: nhandan.vn
Ảnh: nhandan.vn

Ngày2/2, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em”.

Thông tin từ tọa đàm cho biết, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật quy định về quy tắc, phương tiện, người điều khiển phương tiện, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong số 133 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến, có tới 122 ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.

Một trong những điểm được nhiều đại biểu đánh giá cao trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là việc quy định về thiết bị an toàn trên ô-tô, quy định bảo vệ cho trẻ em khi ở trên ô-tô. Đây là quy định cần thiết khi tỷ lệ ô-tô đã, đang và sẽ tăng với tỷ lệ khoảng 10-15 %/năm.

Theo ghi nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã có những quy định mới, rất tiến bộ về bảo vệ trẻ em, qua đó giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ cho trẻ em. Tuy nhiên, một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích. Thí dụ như quy định về sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em khi tham gia giao thông; các quy định hỗ trợ trẻ em khi tham gia giao thông; bảo đảm an toàn giao thông với xe đưa đón học sinh…

Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em ảnh 1

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Ban tổ chức

Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Trường đại học Y tế công cộng) chia sẻ, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 1,5 mét trên ô-tô là điểm mới, đón đầu và đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.

Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương thì nên dành vị trí tốt hơn ở hàng ghế sau trên ô-tô. Nhóm trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 1,5m khi ngồi trên xe dưới 10 chỗ không được ngồi cùng hàng ghế người lái.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Ở góc nhìn của cơ quan nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ về an toàn giao thông cho trẻ em, ông Phạm Việt Cường đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể về vị trí ngồi cho trẻ em. Trước đây, đã có quy định trẻ em không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe bởi nguy cơ bị trẻ có thể bị thương tích nặng hoặc tử vong nếu xảy ra va chạm, túi khí an toàn được trang bị trên ô-tô có thể khiến trẻ em sẽ không chịu được áp lực của các túi khí khi nổ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đề nghị bổ sung quy định việc sử dụng đai chuyên dụng, ghế ngồi an toàn cho trẻ gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể và khoa học.

Về vị trí ngồi trên ô-tô của trẻ em, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, vị trí ghế trước, thực ra ngoài tác động của túi khí, tất cả các thực nghiệm khi có tai nạn thì đều cho thấy rủi ro người ngồi cạnh ghế lái cao gấp 4-5 lần so với những vị trí còn lại. Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương thì nên dành vị trí tốt hơn ở hàng ghế sau. Nhóm trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 1,5m khi ngồi trên xe dưới 10 chỗ không được ngồi cùng hàng ghế người lái.

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề xuất ý kiến ưu tiên phát triển vận tải công cộng bền vững. Điều này sẽ giúp trẻ em có cơ hội tiếp cận phương tiện giao thông công cộng và không phải sử dụng phương tiện cá nhân, từ đó giúp các em giảm thiểu những va chạm không đáng có trên đường.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã góp ý vào nhiều nội dung, quy định cụ thể của dự thảo Luật, đặc biệt là vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho trẻ em; một phần bởi lẽ các em chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có khả năng tự bảo vệ và chưa lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, các đại biểu tập trung trao đổi về thực trạng an toàn giao thông cho trẻ em hiện nay, đặc biệt là làm rõ các nguyên nhân, các nguy cơ gia tăng rủi ro cho các em. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các chính sách nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích…

Hiện, ban soạn thảo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đã tiếp thu nhiều góp ý về nội dung, chỉnh sửa trong dự thảo mới nhất. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.