Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng các ông: Ryan McKean, Giám đốc cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế tại Hà Nội; Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì hội thảo.
Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc tại Việt Nam” do UNDP tại Việt Nam và Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế hỗ trợ.
Tham luận, trao đổi ý kiến chung quanh cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam, các đại biểu dự hội nghị thống nhất khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hoàn thiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Khung pháp lý chung về kiểm soát xung đột lợi ích của Việt Nam đã tương đối đầy đủ và được quy định trong một số luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc triển khai, thực thi hiệu quả, đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ, chưa tạo được cơ chế đồng bộ về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý; chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa rõ ràng, cơ chế giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Các đại biểu góp ý tại hội thảo. |
Từ những nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhiều đại biểu đề xuất Việt nam cần có một số chính sách theo các tiêu chuẩn, phù hợp với thông lệ quốc tế như: mở rộng nội hàm khái niệm xung đột lợi ích để có thể bao quát được các tình huống có thể xảy ra, làm căn cứ cho việc xử lý; tăng cường công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng đối với những vị trí công tác nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, hoàn thiện các quy định về công khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích. Ban hành hướng dẫn cụ thể để cán bộ công chức có thể hiểu chính xác, cặn kẽ các tình huống xung đột lợi ích, ban hành quy tắc ứng xử của công chức,… để nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.