Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Nội vụ chuẩn bị tốt các công việc liên quan tổ chức bộ máy, chính sách; đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện một bước Đề án của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, trao đổi với các cơ quan liên quan.
Tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng trên tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, bảo đảm đúng thời gian quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra để triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bảo đảm phù hợp hoàn cảnh Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các chức năng, nhiệm vụ nhưng sắp xếp cho gọn với tinh thần bỏ khâu trung gian, tăng cường cơ sở, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước để giảm khâu trung gian, xóa bỏ phiền phiền hà cho người dân, qua đó giảm tham nhũng vặt.
Quang cảnh phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ (Ảnh: Trần Hải). |
Thủ tướng yêu cầu quá trình hoàn thiện Đề án nỗ lực không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, xin-cho hay lợi ích cá nhân; các bộ, ngành tập trung làm tốt công tác tư tưởng, sắp xếp theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy; các bộ, ngành sáp nhập, hợp nhất thì các Ban Chỉ đạo của từng bộ họp với nhau dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, chịu trách nhiệm với Đề án của bộ, ngành mình với tinh thần giảm khâu trung gian, bớt đầu mối, giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm, tăng cường cơ sở; không cứng nhắc; xóa bỏ cơ chế xin-cho, quan liêu bao cấp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Trần Hải). |
Đối với khối doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu vẫn phải bảo đảm sự quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành được phân công theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; Chính phủ và các bộ, ngành thực sự làm công tác quản lý nhà nước; quản lý mục tiêu, nhiệm vụ, bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc; rạch ròi về quản lý nhà nước, chức năng đại diện chủ sở hữu nhưng phân cấp, phân quyền cho Hội đồng Thành viên nhiều hơn và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu sửa Luật 69/2014/QH13 để giao thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp nhiều hơn cho các doanh nghiệp này.
Tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nền tảng hài hòa chung lợi ích của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; trong quá trình sắp xếp, tổ chức, bộ máy, các đơn vị vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao…