Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hằng năm đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu container rỗng, hệ thống kho và hệ thống cảng biển…

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước, nhưng hệ thống logistics phục vụ hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh: Trần Tuấn)
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước, nhưng hệ thống logistics phục vụ hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh: Trần Tuấn)

Trước thực tế đó, sáng 26/5, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhu cầu vận chuyển nông sản lớn

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu...

Tuy nhiên, hầu hết hàng nông sản phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh để xuất đi nơi khác khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng. “Có thể thấy, chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời. Trong đó, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất, thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long -0

Toàn cảnh Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Tập trung quy hoạch logistics toàn vùng

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics. Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.

“Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: nông dân-thương lái-nhà máy chế biến-doanh nghiệp thương mại-doanh nghiệp logistics; tăng cường hợp tác giữa các công ty logistics như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển 2 chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, hiện đại hóa hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics”, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng: Cần sớm phát triển trung tâm logistics tại Cần Thơ cho hàng hóa toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng. Qua đó, sẽ giải quyết việc phân tán trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, cơ chế thủ tục hải quan, tài chính cần được thực hiện thông thoáng tại Trung tâm này. Từ đó góp phần giảm đáng kể chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu.