Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí
Buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại, với 76,32% tổng số đại biểu tán thành. Tiếp đó, với 82,84% tổng số đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Thảo luận về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II) trong dự án Luật Báo chí (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, Điều 25 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Nhưng tên Chương II dự thảo Luật (Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí) không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Hơn nữa, các nội dung quy định tại chương này chưa rõ nội hàm và còn trùng lắp, nhất là khái niệm cơ bản của Luật là quyền tự do báo chí của công dân chưa được làm rõ. Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực hiện đầy đủ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì trước hết cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin đầy đủ, giúp báo chí thông tin kịp thời cho công chúng, không để lại khoảng trống thông tin, dẫn đến những suy diễn, đồn đoán từ nguồn thông tin không chính thống. Trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Vì vậy, cần luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung vào luật nội dung: Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Một số đại biểu cho rằng, để bảo đảm quyền tự do báo chí, cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí, nhưng dự thảo Luật quy định: Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm… là còn chung chung. Đồng thời, đề nghị cần có cơ chế bảo đảm quyền tác nghiệp của các nhà báo vì thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở báo chí tác nghiệp, thậm chí còn thu giữ phương tiện tác nghiệp, hành hung nhà báo… Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật đã quy định các cơ quan báo chí nếu sai phạm sẽ bị xử lý theo luật định thì cũng cần quy định: tổ chức, cá nhân khi cản trở nhà báo hoạt động hợp pháp sẽ bị xử lý.
Về cung cấp thông tin cho báo chí, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, các loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, theo quy định dự thảo Luật, Hội Nhà báo có rất nhiều nhiệm vụ, tuy nhiên lại thiếu các quy định để bảo đảm cho Hội Nhà báo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Thí dụ, Hội Nhà báo đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên, nhưng việc bảo vệ chỉ có thể thông qua các văn bản gửi tới các cơ quan, tổ chức. Nếu các cơ quan, tổ chức này không trả lời thì rất khó để Hội Nhà báo bảo vệ quyền và lợi ích của nhà báo, hội viên. Vì vậy, luật cần quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp Hội Nhà báo trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo. Băn khoăn về đối tượng thành lập cơ quan báo chí tại khoản C Điều 15 dự thảo Luật quy định: Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí, đại biểu Thuận Hữu cho rằng, cần cân nhắc quy định này, bởi dễ dẫn đến việc các tạp chí này hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Về Điều 26 dự thảo Luật có nội dung người đứng đầu cơ quan báo chí là giám đốc, tổng giám đốc, cấp phó là phó giám đốc, phó tổng giám đốc, cấp dưới là tổng biên tập, phó tổng biên tập, một số đại biểu khẳng định, quy định này không mới và được nhiều nước áp dụng, nhưng đối với các cơ quan báo chí đa phương tiện, có nhiều ấn phẩm thì có thể áp dụng, còn với những cơ quan báo chí nhỏ, thí dụ như chỉ có một ấn phẩm thì việc áp dụng sẽ gây ra sự phức tạp, rắc rối trong hoạt động và không phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật giải thích rõ quy định “hoạt động tác nghiệp của nhà báo không phải là thi hành công vụ”, đồng thời bổ sung các quy định để Hội Nhà báo được tham gia quá trình giám sát việc tuân thủ pháp luật của nhà báo, nhất là trong thẩm định những tác phẩm báo chí mà cơ quan chức năng kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Một số đại biểu đề xuất bổ sung quy định về việc phong tặng danh hiệu đối với những nhà báo tiêu biểu, có nhiều đóng góp vì sự nghiệp báo chí.
Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội trong các tổ chức hội
Buổi chiều, với 85,63% tổng số đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, với 86,44% tổng số đại biểu tán thành. Thảo luận về dự án Luật về Hội, một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh không áp dụng đối với MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến nêu rõ quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp, bởi vì, mặc dù các tổ chức này có những đặc thù riêng và có cơ cấu tổ chức tương tự các cơ quan nhà nước, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, nhưng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì không phải là cơ quan nhà nước. Việc điều chỉnh đối với các tổ chức này là nhằm thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội trong các tổ chức hội; bảo đảm sự công bằng, tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các hội.
Về người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội (khoản 1 Điều 34), đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) và một số đại biểu tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề này cần được quy định ngay trong Luật mà không giao Chính phủ quy định. Đồng thời, phải làm rõ người nước ngoài được tham gia hội của công dân Việt Nam hay chỉ tham gia hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam hoặc hội được thành lập ở nước ngoài
và được phép hoạt động tại Việt Nam.
Khoản 3, Điểm e, Điều 16 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) yêu cầu cơ quan chủ quản phải định kỳ sáu tháng, một năm phải báo cáo về hoạt động của cơ quan báo chí với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Tôi cho rằng, những việc này, trách nhiệm này phải giao cho cơ quan báo chí trực tiếp báo cáo. Yêu cầu cơ quan chủ quản phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí thì giấy tờ quá nhiều. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định, nhà báo có quyền hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, điều kiện đặt Văn phòng đại diện không nhất thiết phải có trụ sở văn phòng ổn định từ ba năm trở lên, mà chỉ cần yêu cầu trụ sở với địa chỉ rõ ràng, khi thay đổi địa chỉ phải thông báo bằng văn bản cho địa phương. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) Các trang thông tin điện tử không có chức năng sản xuất tin, bài, không phải là cơ quan báo chí. Nhưng thời gian qua, do thủ tục đăng ký, cấp giấy phép dễ dàng, cho nên số lượng trang thông tin điện tử tăng lên rất nhanh. Trong đó, nhiều trang thông tin hoạt động sai chức năng được cấp phép, trích dẫn thông tin không đầy đủ, cắt xén nội dung để thu hút người đọc… Vì vậy, cần bổ sung quy định, chế tài xử lý khi những trang thông tin điện tử này vi phạm pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) |