Hoàn thành giải quyết, chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất hết ngày 31/12

NDO -

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương giải quyết và chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ đã đề nghị hưởng và hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021. 

Lao động tại nhà máy của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. (Ảnh minh họa: Tuệ Linh)
Lao động tại nhà máy của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. (Ảnh minh họa: Tuệ Linh)

Để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đúng thời hạn, Ban chỉ đạo ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam về triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Ban chỉ đạo) vừa ban hành văn bản số 4212/BHXH-BCĐ gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn đề cập việc giải quyết hưởng hỗ trợ đối với người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (Quyết định số 28).

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 3750/BHXH-CSXH ngày 19/11/2021 về tháo gỡ một số khó khăn trong thực hiện Quyết định số 28; ý kiến trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4744/LĐTBXH-VL ngày 17/12/2021, Ban chỉ đạo yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin đến người sử dụng lao động và tiếp nhận Danh sách người lao động đề nghị hưởng hỗ trợ theo Mẫu số 02, Mẫu số 03 (ban hành kèm theo Quyết định số 28) đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị. Cụ thể như sau:

Người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, tổ chức như: Đài Tiếng nói Việt Nam, đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam, đơn vị trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đơn vị hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình ở địa phương; các tổ chức xã hội như Trung tâm giao lưu văn hóa… mà tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật, không được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ toàn bộ hoặc một phần) thì thuộc đối tượng được giảm đóng theo quy định và người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị này có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan Bảo hiểm xã hội tại thời điểm ngày 30/9/2021 thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc điều khoản chuyển tiếp theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; các đơn vị được giao tự chủ theo đặc thù của mỗi ngành và các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chưa được phân loại theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, chưa rõ về % tự chủ: Tại thời điểm ngày 30/9/2021, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, không được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (bao gồm: chưa thực hiện hoặc đã thực hiện chuyển đổi theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) thì thuộc đối tượng được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị này thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 28.

Sau ngày 30/9/2021, nếu đơn vị sự nghiệp nào chuyển đổi thành đơn vị không được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp với Sở Tài chính để xác định các đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại tự chủ tài chính để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

Thứ hai, tiếp nhận hồ sơ của người lao động đặc thù như thuyền viên, thủy thủ trên tàu quốc tế, phi công, tiếp viên hàng không thường xuyên đi lại, làm việc giữa Việt Nam và nước ngoài theo Mẫu số 02, Mẫu 03 hoặc Mẫu số 04 (ban hành kèm theo Quyết định số 28).

Đối tượng được hưởng phải bảo đảm điều kiện là người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động.

Tại thời điểm ngày 30/9/2021, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động (người sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định), có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ ba, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với tất cả trường hợp nêu trên và người lao động thuộc đối tượng mà chưa nhận được hỗ trợ chậm nhất đến hết 24 giờ ngày 20/12/2021.

Thứ tư, Ban chỉ đạo yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương giải quyết và chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ đã đề nghị hưởng và hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021.

Thời gian qua, để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vào cuộc tích cực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…. Tinh thần chung là rút ngắn thời gian giải quyết, không phát sinh thủ tục, hồ sơ để người lao động, người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ một cách sớm nhất.

* Đến hết ngày 17/12, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 12,6 triệu lao động.
Qua nắm bắt tình hình chung, người lao động và người sử dụng lao động đều rất phấn khởi vì các gói hỗ trợ đến đúng lúc khó khăn, giúp đơn vị có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Gói hỗ trợ thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, củng cố thêm niềm tin của người lao động vào chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.