Trở lại hoạt động từ ngày 18/3, phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm nhanh chóng là "điểm đến" của người dân Thủ đô cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Dịp cuối tuần qua, hoạt động thu hút đông đảo khách tham quan, khách du lịch là những màn trải nghiệm khinh khí cầu ngay tại vườn hoa Lý Thái Tổ do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức. Có mặt tại không gian trải nghiệm khinh khí cầu, chị Lê Thị Hà, khách du lịch từ Quảng Bình cho biết: "Từ lâu, tôi đã biết Hà Nội là một thành phố cổ kính và sôi động, nhưng khi đến không gian phố đi bộ, tôi vẫn rất bất ngờ vì có nhiều hoạt động văn nghệ, nhiều sự kiện thú vị, trong đó có màn trình diễn khinh khí cầu rất đẹp mắt". Trong khi đó, các tuyến phố đi bộ tại khu bảo vệ cấp I khu phố cổ, tuyến phố đi bộ thương mại-dịch vụ Hàng Ðào-Hàng Giấy cũng trong tình trạng hoạt động hết công suất. Ðặc biệt các cửa hàng ẩm thực trong tuyến phố đi bộ tại phố cổ luôn đông khách. Sau một thời gian dài "ngủ đông", hoạt động du lịch-dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã trở lại hết sức sôi động.
Sau khi được phép hoạt động trở lại, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Kế hoạch phục hồi, phát triển, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Trong đó, nêu rõ định hướng phát triển, thị trường tập trung khai thác, lộ trình và các phương án triển khai. Kế hoạch cũng phân công cụ thể trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị trong triển khai phát triển du lịch. Về sản phẩm du lịch, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: "Trong giai đoạn này, Hoàn Kiếm tập trung khai thác có hiệu quả hoạt động của Không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ khu bảo tồn cấp I khu phố cổ và tuyến phố thương mại du lịch Hàng Ðào-Hàng Giấy gắn với chợ đêm và chợ Ðồng Xuân, Bắc Qua, tăng cường các hoạt động giải trí chất lượng, khai thác giá trị du lịch di sản, khai thác các hoạt động ẩm thực.
Ðể hấp dẫn du khách, quận đang thúc đẩy việc triển khai đề án nâng cao chất lượng tuyến phố "Văn hóa ẩm thực Việt Nam" tại phố Tống Duy Tân-ngõ Hàng Bông, xây dựng đề án phát triển, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tuyến phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc, phố sách Hà Nội…". Trong đó, đề án nâng cao chất lượng tuyến phố Văn hóa ẩm thực Việt Nam tại phố Tống Duy Tân-ngõ Hàng Bông dự kiến là một "tâm điểm" trong thu hút du lịch trên địa bàn. Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang đề xuất thành phố cho phép tổ chức phố đi bộ, cấm các phương tiện lưu thông tại tuyến phố theo hai giai đoạn của đề án (giai đoạn 1 từ tháng 4/2022 đến 4/2023 và giai đoạn 2 từ tháng 4/2023). Với thế mạnh về du lịch văn hóa, hệ thống di tích dày đặc, quận Hoàn Kiếm tiếp tục đầu tư có chiều sâu trong tu bổ, cải tạo di tích, nhằm tạo thêm điểm nhấn cho khách tham quan. Dự kiến quận sẽ tu bổ sáu di tích trong giai đoạn 2022-2025 với số tiền 361,8 tỷ đồng. Thời gian tới, quận tiếp tục cải tạo các vòm đá ở cầu cạn từ đầu cầu Long Biên đến phố Phùng Hưng để tạo thêm không gian mới cho các hoạt động văn hóa, du lịch.
Dịp này, quận Hoàn Kiếm cũng đẩy mạnh dọn dẹp vệ sinh, trang trí đường phố. Nhiều tuyến phố được trang trí hoa tươi, tạo cảnh quan đẹp mắt phục vụ khách tham quan. Việc mở cửa du lịch trở lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Chị Nguyễn Thùy Linh, Tổng Giám đốc chuỗi cửa hàng Tân Mỹ Design cho biết: "Thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng chuỗi cửa hàng vẫn duy trì hoạt động, sản xuất một số mặt hàng mới, phù hợp xu thế mới. Chúng tôi rất vui khi các hoạt động du lịch tại thành phố hoạt động trở lại và mong rằng thời gian tới, lượng khách sẽ tăng trưởng ổn định".
Với các hoạt động nêu trên, quận Hoàn Kiếm đang "tăng tốc" khôi phục phát triển du lịch dựa trên tiềm năng văn hóa. Tại cuộc làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm về triển khai Chương trình 06 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, là quận trung tâm kinh tế, văn hóa của thành phố với nhiều tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch, quận Hoàn Kiếm cần mạnh dạn từ trong tư duy, có sự so sánh, tham khảo với các thành phố, thủ đô lớn trên thế giới để có sự phát triển phù hợp. Trong đó, cần gắn chặt phát triển văn hóa gắn với đô thị, phát triển kinh tế ban đêm; sớm có đề án phát huy, khôi phục phố nghề.
GIANG NAM