Hoạch định chính sách thúc đẩy lâm nghiệp

Ngày 31/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng. (Ảnh: Tuấn Sơn)
Lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch ba loại rừng cấp tỉnh, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch ba loại rừng cấp tỉnh, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Ðẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và có các công cụ kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Ðồng thời phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được phân bổ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

Theo kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với quy định hiện hành.

Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Theo đó, trong quá trình thực hiện Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, như quỹ đất trống quy hoạch cho rừng đặc dụng, phòng hộ nhỏ lẻ, manh mún, ở nơi xa xôi, khó khăn,… gây khó khăn cho việc thiết kế, tổ chức trồng rừng, phát sinh chi phí lớn.

Việc xác định đơn giá theo thiết kế, dự toán cho các dự án mất nhiều thời gian trong khi các chủ dự án cần hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và bảo đảm tiến độ thực hiện công trình.

Bên cạnh đó, theo cơ quan quản lý, thủ tục thanh quyết toán kinh phí, kiểm soát chi trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành cũng không còn phù hợp.

Ðối với Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT, việc ban hành danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính là để quản lý chất lượng giống với những loài cây có diện tích trồng lớn, đã có giống, nguồn giống được công nhận.

Tuy nhiên, việc chưa làm rõ được mục đích nêu trên đã dẫn đến một số cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu nhầm chỉ được trồng các loài cây trong danh mục này.

Thời gian qua, với việc tích cực, chủ động triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, công tác xây dựng văn bản trong ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Song vẫn còn một số tồn tại, như một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa bảo đảm đúng quy trình ban hành văn bản. Tính dự báo của các chính sách chưa cao, dẫn đến thời hạn áp dụng văn bản ngắn. Trong quá trình xây dựng văn bản chưa tranh thủ tối đa được sự tham gia của chuyên gia trong các lĩnh vực để góp ý, thẩm định, phản biện các chính sách của ngành.

Những tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nguồn nhân lực và các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; sự phát triển nhanh của nền kinh tế, khoa học-công nghệ trong nước và quốc tế dẫn đến có nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội mà văn bản chưa thể điều chỉnh được hết. Ðây là những hạn chế, cần sớm khắc phục để bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đạt được kết quả cao hơn, có “sức sống” lâu dài hơn, kịp thời khuyến khích thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói chung và ngành lâm nghiệp phát triển ổn định và bền vững….