Thúc đẩy bình đẳng giới ngành lâm nghiệp

Bất bình đẳng giới trong các ngành nghề có thể tạo ra mâu thuẫn giữa quyền và lợi ích của người lao động. Việc tìm ra những giải pháp hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới sẽ trao quyền và bảo đảm an toàn cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ hoạt động trong những ngành nghề có tính đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành lâm nghiệp đã có những chính sách giúp lao động nữ được hưởng các chế độ tốt hơn so trước đây.
Ngành lâm nghiệp đã có những chính sách giúp lao động nữ được hưởng các chế độ tốt hơn so trước đây.

1/Hiện nay, tỷ lệ dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn là hơn 65%. Phần đông trong số đó là những người làm nông nghiệp hoặc các dịch vụ gắn với nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu tổng quát ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 19-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc thực hiện bình đẳng giới đóng một vai trò quan trọng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 14,74 triệu ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 triệu ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% và có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, trong đó đa phần là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc với những đặc điểm văn hóa, xã hội, truyền thống khác nhau. Điều đáng nói là tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra khá phổ biến ở những địa phương này. Thậm chí, không ít nơi còn tồn tại những quan niệm, hủ tục và nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới như: chế độ phụ hệ, hay nếp gia trưởng phổ biến trong quan hệ gia đình tại nông thôn…

2/Trong Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào hoạt động lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng quy định rõ việc bảo đảm không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng… Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của ngành nông nghiệp, một số công việc tương đối khó khăn với nữ giới như kiểm ngư, kiểm lâm, kỹ thuật chuyên ngành nên công tác cán bộ nữ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Hoàng Lạc Tú Minh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban nữ công Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, trong những năm qua, công ty thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về bình đẳng giới, phổ biến các luật có liên quan phụ nữ bằng cách tổ chức các cuộc thi, giao lưu với các đơn vị khác hoặc tổ chức cho cán bộ, công nhân viên trong công ty tham quan du lịch khi điều kiện cho phép. Từ trước đến nay, công ty vẫn áp dụng chính sách ưu tiên nữ giới trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật địa phương và bình đẳng thăng tiến công việc với các chế độ lương, thưởng, nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ sinh…, đặc biệt môi trường làm việc an toàn, không bị quấy rối tình dục nên nhiều người an tâm công tác tại đơn vị. Đến nay, công ty vẫn duy trì chính sách ký hợp đồng với cả vợ và chồng, bảo đảm người ký nắm rõ nội dung hợp đồng lao động. Đồng thời, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật bằng nhiều phương pháp phù hợp với cả phụ nữ và nam giới, điều này nhằm thúc đẩy việc thay đổi chuẩn mực giới liên quan khả năng tham gia quản lý và phát triển rừng của các cá nhân chứ không phân biệt nam hay nữ.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành cũng luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng phụ nữ. Do đó, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà còn đối với quốc gia.

Theo thống kê, lực lượng lao động nữ khá đông đảo với hơn 23 nghìn nữ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, chiếm gần 40% tổng số lao động toàn ngành lâm nghiệp. Trong đó, tỷ lệ nữ khối cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước chiếm 20%; khối doanh nghiệp chiếm 36,4%; khối đơn vị sự nghiệp chiếm 43,6%. Nữ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 18,5%. Nữ tham gia lãnh đạo, quản lý từ đội trưởng, trưởng, phó các bộ môn, khoa, phòng và tương đương trở lên chiếm 23%.