Hòa Vang thúc đẩy phát triển giáo dục

Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; qua đó, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông từ bậc mầm non đến trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ ra chơi tại điểm Trường tiểu học Hòa Bắc, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc.
Giờ ra chơi tại điểm Trường tiểu học Hòa Bắc, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc.

Thay đổi diện mạo trường, lớp học

Thời điểm này, đến các xã miền núi như Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang), điều dễ nhận thấy về sự đầu tư cho ngành giáo dục là từ những hình ảnh sân trường lát gạch, phòng học khang trang,... đến các công trình mới như: phòng bộ môn, nhà đa năng,...

Huyện Hòa Vang dù có diện tích lớn, mật độ dân số thấp, nhưng các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Tại xã Hòa Bắc, riêng điểm Trường tiểu học Hòa Bắc tại thôn Phò Nam trong giai đoạn 2020-2022 được đầu tư gần 25 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để xây mới khối phòng học bộ môn như: phòng tin học, phòng ngoại ngữ,... cùng khu bếp ăn, tiền sảnh,... tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của học sinh.

Cô Lê Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Hòa Bắc chia sẻ: “Nếu trước đây các em phải sinh hoạt và học tập trong điều kiện khó khăn, nhất là mùa mưa bão, thì nay thầy trò Trường tiểu học Hòa Bắc đã có điều kiện dạy và học tốt hơn nhiều”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh cho biết, xã Hòa Bắc hiện có 3 điểm trường mầm non, 2 điểm trường tiểu học và 1 trường THCS để phục vụ con em tại địa phương; trong đó có các điểm trường lẻ tại thôn Tà Lang và Giàn Bí, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào dân tộc Cơ Tu đến trường.

“So với trước đây, cơ sở vật chất các trường đã được đầu tư tốt hơn rất nhiều. Đây là một chủ trương lớn làm thay đổi bộ mặt ngành giáo dục trên địa bàn”, đồng chí Thanh nhấn mạnh.

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, với tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền từ thành phố đến địa phương, nhiều tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới đã được cải thiện mạnh mẽ.

Theo đó, huyện Hòa Vang dành nguồn lực đầu tư đồng bộ mạng lưới trường học các cấp, bảo đảm 100% xã đều có 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Về chiều sâu, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ các phòng học, phòng chức năng theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; dồn ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính để nâng cao chất lượng dạy học.

Đến nay, 45/45 trường công lập từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Thống kê từ năm 2021 đến nay, huyện Hòa Vang đã chi hơn 80 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, cung cấp thiết bị dạy cho các trường.

Bên cạnh đó, huyện Hòa Vang tiếp tục đổi mới căn bản về phương pháp học, triển khai sâu rộng việc cải tiến nội dung học, đào tạo toàn diện chương trình giáo dục phổ thông mới cho các em học sinh; đồng thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của giáo viên các cấp.

Bảo đảm đủ giáo viên cho dạy học

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng, hằng năm Phòng Giáo dục phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện Hòa Vang đề xuất tuyển dụng giáo viên trên cơ sở số lớp; bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, bất cập về cơ cấu và chính sách đãi ngộ cho giáo viên theo dạy tại các xã vùng xa, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại một số trường ở xã Hòa Bắc.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh cho biết: “Khi Hòa Vang không còn là huyện miền núi khó khăn, chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy học tại các xã như Hòa Phú và Hòa Bắc đều bị cắt giảm, dẫn đến nhiều giáo viên nơi khác đến dạy không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Khi thiếu giáo viên, một số bộ môn phải dạy ghép, không đúng chuyên môn, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”.

Tình trạng này đã xảy ra từ những năm trước, gây khó khăn trong việc tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Trước thực trạng đó, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng đã có những chủ trương phù hợp.

“Sau khi thực hiện tăng chỉ tiêu biên chế cho các trường quy mô nhỏ, hạ tiêu chí trình độ tuyển dụng; đồng thời, các trường chủ động ký hợp đồng thời vụ để đủ giáo viên dạy học, đến nay các trường trên địa bàn cơ bản được đáp ứng đủ giáo viên. Tuy nhiên, xã Hòa Bắc hiện vẫn còn thiếu giáo viên một số môn học đặc thù”, ông Hoàng thông tin thêm.

Nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên “bám thôn gieo chữ”, UBND huyện Hòa Vang cùng Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để cải tạo nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng cho biết: “Trước mắt, huyện Hòa Vang vẫn phân bổ kinh phí cho hoạt động chi thường xuyên tính trên đầu học sinh; cho phép trường hạch toán vào thu nhập tăng thêm cho giáo viên, tiết kiệm chi để gián tiếp tăng thêm thu nhập cho giáo viên nơi khác đến. Về lâu dài, ngành giáo dục huyện Hòa Vang đề xuất hỗ trợ 50 triệu đồng ban đầu cho mỗi giáo viên nơi khác đến công tác, nhưng phải có cam kết công tác giảng dạy trên địa bàn xã Hòa Bắc ít nhất 5 năm”.