Cuộc viễn du từ văn hóa dân gian đến trừu tượng là tên cuộc triển lãm lần này của chị tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, từ 15-7 đến 2-8, gồm 40 bức sơn mài và sơn dầu. Trong đó, có bức chị vẽ từ hơn 20 năm trước, nhưng phần nhiều là mới vẽ, như Cấy lúa chẳng hạn, chị nói vừa vẽ xong hôm qua, hãy còn chưa ráo mực.
Có lẽ cũng không có một sự khác biệt nào trong những bức tranh vẽ cách nhau hàng chục năm như vậy, ở Văn Dương Thành. Cũng như chị, đã hàng chục năm sống ở nước ngoài, đã là một hoạ sĩ danh tiếng trên thế giới, nhưng hôm nay, trông chị vẫn vậy: vẫn mái tóc bông tự nhiên, bộ áo dài giản dị như trong những bức chân dung mà danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ từ rất lâu rồi.
Chị nói, chị rất xúc động mỗi lần được trở về triển lãm tại Việt Nam. Lần này, cũng vì được bày tranh tại Bảo tàng này, một bảo tàng tôn vinh những giá trị truyền thống. Và đặc biệt là ngay cạnh con đường mang tên Giáo sư, nhà sử học Nguyễn Văn Huyên, người mà chị đã rất gần gũi và ngưỡng mộ.
Chị bận rộn, vội vã giữa phòng tranh, khi thì nói chuyện với các vị đại sứ nước ngoài, với các vị quan chức đến dự khai mạc triển lãm, khi thì vui vẻ với những người yêu tranh, khi trả lời phỏng vấn truyền hình, báo chí. Giữa cuộc chuyện trò, tôi thấy chị đột ngột dừng, chạy ra chụp ảnh với một cô bé mặc áo dài trắng, vì “đẹp quá không chịu được” - chị vừa ngắm chiếc áo dài cô bé mặc, vừa xuýt xoa.
Cuối buổi triển lãm rồi, mà vẫn còn nhiều người nán lại để được nói chuyện với chị. Không chen vào được một khoảng trống nào giữa các cuộc trò chuyện, tôi đành phải ngồi chờ.
Hoa ly vàng. | Cậu bé câu cá. |
Và có lẽ tôi đã may mắn. Khi mọi người về hết, cánh cổng bảo tàng cũng khép lại, chỉ còn mình chị, với một ôm hoa và lỉnh kỉnh túi xách, báo chí, máy ảnh… ngồi bệt trước thềm hội trường lớn của Bảo tàng Dân tộc học. Không ô tô, xe máy, chẳng có ai đợi để đưa chị về, vì ai cũng nghĩ chắc chẳng “đến lượt” mình. Điện thoại trong túi lại hết pin.
Chị bảo, đó là lúc chị cảm thấy bị “hẫng”. Trong đời người nghệ sĩ, những lúc “hẫng” như vậy không phải là ít. Nhưng cảm giác đó dường như cũng chỉ thoáng qua, khi chị chợt nhìn thấy một chùm cọ xanh lúc lỉu ngay trước mắt mình: “Em nhìn xem, sao lại có thể đẹp đến như thế này, chị phải vẽ nó mới được”.
Suy tư bên sen trắng.
Chị vẽ bất cứ lúc nào, khi cảm xúc chợt đến như vậy. Và chị gọi chúng là “những trang nhật ký nhỏ trên đường đi”. Bốn mươi bức tranh được trưng bày lần này cũng vậy, dẫu là sơn mài hay sơn dầu, dẫu là tả thực hay trừu tượng, cũng đều giản dị và thân thuộc với tất cả mọi người. Đó là những bức sơn mài vẽ mái chùa cổ, tượng Phật, cậu bé câu cá, một gia đình làng chài ven biển, cụ già nông dân, một làng quê Việt Nam bình dị với mái tranh, vại nước, những chiếc xe thồ chở lúa trên đường làng… Luôn luôn trong tranh của chị là những mô típ quen thuộc, nhưng cũng luôn luôn là những khám phá mới mẻ.
Chị nói rằng, chị vẽ những sự vật, hình ảnh quen thuộc với cuộc sống của mình đó, bằng một phương pháp nghệ thuật hết sức đơn giản, không kỹ thuật, không cầu kỳ, chỉ có cảm xúc làm chủ.
Tranh trừu tượng của chị không rối rắm khó hiểu như thường thấy ở những tác phẩm cùng thể loại.
Người xem có thể dễ dàng nhận ra những hình ảnh quen thuộc trở đi trở lại đó trong tranh chị: Ô Quan Chưởng, những chiếc chõng tre trên đó xếp đặt vài quả dứa, mớ trầu cau và đặc biệt là hoa, sen, ly vàng, ly đỏ, hoa chuối rừng… Những tĩnh vật rất bình dị đó được chị vẽ bằng cảm quan của nghệ sĩ, như những nét nhạc thăng hoa từ đời sống. Chị nói đó là trừu tượng mang hơi thở đồng quê. Chị chắt lọc từ nghệ thuật truyền thống khi vẽ bằng kỹ thuật hiện đại phương Tây với cách phối màu mà chị học được ở danh hoạ Bùi Xuân Phái. Đó là tương phản nhưng không đối chọi, lộng lẫy nhưng hết sức hài hòa. Một vạt nắng chiều đỏ rực hắt lên cạnh mảng cỏ non xanh biếc nõn nà trong bức Cấy lúa chẳng hạn, làm nên vẻ đẹp lung linh đầy quyến rũ. Những vệt sơn dầu sống động như nhảy nhót, khung cảnh quen thuộc của làng quê ruộng đồng hiện lên long lanh huyền ảo chưa từng thấy. Những bông sen trong tranh chị tươi mới với lá sen xanh biếc, dường như còn quấn quýt mùi hương.
Hoa sen dưới ánh mặt trời - sơn dầu.
Những bức sơn dầu như Hoa sen dưới ánh mặt trời, Ô Quan Chưởng trong mưa, hay Mùa xuân trên cánh đồng là những bản nhạc không lời đầy mê hoặc mà mỗi người xem có thể “dịch” theo nhiều nghĩa khác nhau. Người ta gọi những bức tranh trừu tượng của chị là những mảnh tâm hồn Á Đông thể hiện qua nghệ thuật phương Tây, là sự giao thoa giữa hai thế giới: truyền thống và hiện đại.
Họa sĩ Văn Dương Thành cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 7-2005. |
Chị cứ xúc động mãi vì lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình tại buổi khai mạc triển lãm, cho rằng chị là một “vị đại sứ văn hóa” của Việt Nam, là chiếc cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới.
Về những bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng lần này, Tiến sĩ Lưu Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói: “Đó là những tranh vẽ hiện đại, nhưng có nguồn mạch trong truyền thống văn hóa Việt Nam, được lấy cảm hứng từ đời sống dân gian đất Việt. Hoạ sĩ Văn Dương Thành đã thành công trong việc nuôi dưỡng di sản truyền thống dân tộc và bằng hình thức nghệ thuật để thể hiện nó thành những giá trị mới”. Chính vì thế mà tranh của chị được yêu thích trên khắp thế giới. Còn chị, vẽ tranh đơn giản là để lưu giữ những điều đẹp đẽ của cuộc sống, lưu giữ những ký ức thân thương về quê hương nguồn cội, về tất cả những gì mà chị bắt gặp trên cuộc viễn du nghệ thuật của mình.
Hoạ sĩ Văn Dương Thành Tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980. Bức tranh sơn dầu Hoa cúc trắng sáng tác năm 20 tuổi được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua, là người trẻ nhất có được vinh dự này. Có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974, 1975. - Hai tác phẩm Làng cổ Việt Nam và Sự yên lặng được chọn là những tác phẩm xuất sắc nhất trong “Chương trình nghệ thuật quốc tế kiệt xuất” do các giám khảo Pháp và Mỹ chọn trong số 36 nước tham dự vào hai năm 1975 và 1977. . Bức tranh lớn nhất Phụ nữ và thiên nhiên (6,5 m x 1,5 m) được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Staffanstorp, Thụy Điển. Chị đã có khoảng 15 cuộc triển lãm tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển, Hồng Công, Singapore, Đức… Chị cho biết vào tháng 9 tới, nhân Lễ Quốc khánh, sẽ có một triển lãm mang tên “Đỉnh cao Việt Nam 2005: Văn Dương Thành” tại Thái-lan. Hiện chị sống và giảng dạy mỹ thuật tại Thuỵ Điển. E-mail: vanduongthanh@telia.com |