Họa sĩ đồng hành cùng thiếu nhi

Là người sáng lập và chủ nhiệm dự án “Cùng bé sáng tạo”, nhiều năm nay, họa sĩ Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn đồng hành cùng các em nhỏ để mở ra không gian học hỏi, khám phá và sáng tạo nghệ thuật dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền (bên trái) giao lưu cùng bạn đọc tại Hội sách Trăng tròn.
Họa sĩ Trang Thanh Hiền (bên trái) giao lưu cùng bạn đọc tại Hội sách Trăng tròn.

Trò chuyện trong không gian phố sách 19-12 (Hà Nội), sau khi họa sĩ Trang Thanh Hiền hướng dẫn các em nhỏ tập làm những chiếc mặt nạ hình ông địa, chú Tễu, chị Hằng, thỏ trắng… điều dễ nhận ra là Trang Thanh Hiền rất say mê các yếu tố truyền thống. Các dự án chị đang và sẽ làm đều bắt đầu từ yếu tố dân gian, dân tộc, gắn bó với trẻ thơ.

Năm 2015 là năm đầu tiên Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt vui Tết Trung thu” được khởi động với mục đích dạy trẻ em tập làm mặt nạ giấy bồi. Dự án đã thu hút gần 1.000 em nhỏ tham gia. Họa sĩ Trang Thanh Hiền đã dạy các bạn nhỏ học cách bồi mặt nạ và tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Việt Nam. Sau đó, Trang Thanh Hiền cùng các họa sĩ trẻ tâm huyết tiếp tục thực hiện các dự án “Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết” và “Cùng bé sáng tạo - Tìm hiểu và trải nghiệm dòng tranh dân gian Kim Hoàng”.

Không chỉ được tìm hiểu tranh dân gian qua sách vở và hình ảnh, không gian trải nghiệm đã mang đến cho các em những kiến thức mới và thú vị. Các em được tìm hiểu các dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống…, được tham gia các công đoạn vẽ tranh dân gian, tìm hiểu lịch sử các dòng tranh dân gian đã từng tồn tại trong đời sống tinh thần người Việt.

Tham gia nhiều dự án, triển lãm, làm diễn giả trong các tọa đàm về nghệ thuật, họa sĩ Trang Thanh Hiền luôn đau đáu về những giá trị nghệ thuật xưa cũ của dân tộc. Chị chia sẻ, mặt nạ giấy bồi truyền thống của Việt Nam rất đẹp, gần gũi, thân thiện, được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như tre, giấy, nứa, bìa…, từng là trò chơi phổ biến của trẻ con làng quê Bắc Bộ dịp Trung thu. Sự thay đổi của đời sống khiến những giá trị đó mai một, những hình ảnh thân thuộc ấy không được trẻ con ngày nay biết đến, thay vào đó là những mặt nạ nhựa xanh, đỏ nhập ngoại.

Bên cạnh đó, nhận thấy trẻ em đang thiếu những sân chơi bổ ích và không gian sáng tạo lành mạnh, họa sĩ Trang Thanh Hiền mong muốn dự án “Cùng bé sáng tạo” tổ chức sân chơi cho các em, qua đó truyền dạy kiến thức và sự yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống, đam mê nghệ thuật. Các em không chỉ được học các bước làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi, được tự do sáng tạo, vẽ mặt nạ theo ý thích và trí tưởng tượng của mình, mà còn được tìm hiểu các kiến thức và giá trị văn hóa truyền thống. Đằng sau những đồ chơi dân gian được làm thủ công thường chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa.

Vừa qua, trong chương trình giao lưu “Đằng sau chiếc mặt nạ” tại không gian phố sách 19-12, họa sĩ Trang Thanh Hiền đã giải đáp rất nhiều câu hỏi của các em về các trò chơi dân gian. Các em đều tỏ ra hứng thú với những mặt nạ ngộ nghĩnh, từ thằng Bờm, Chí Phèo, Thị Nở hay những mặt nạ các nhân vật hoạt hình như chú thỏ, chú chuột đến Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không… Em Hoàng Thanh Hà (ở quận Hà Đông) lần đầu được tự tay làm mặt nạ cho biết: Khi được tiếp xúc với những trò chơi dân gian truyền thống, em mới hiểu và biết yêu hơn giá trị văn hóa dân tộc. Mặt nạ giấy bồi không chỉ là một món đồ chơi, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng của nền văn minh lúa nước của Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần thiếu vắng thì những dự án nghệ thuật thế này có thể xem như nỗ lực của các nghệ sĩ nhằm đưa văn hóa dân gian trở lại đời sống đương đại. Chủ động tạo không gian để trẻ nhỏ tìm hiểu, mang đến sân chơi lành mạnh cho các em tiếp cận với nghệ thuật là những nỗ lực của họa sĩ Trang Thanh Hiền và các đồng nghiệp. Chị mong muốn những dự án như thế này sẽ góp phần giúp các em thu nhận thêm kiến thức, khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống và tham gia sáng tạo.