Hòa sắc và hòa cảm

Tây Nguyên, nơi quê hương ngàn đời của các tộc người bản địa, nay thêm rộn ràng hương sắc bởi cuộc tụ hội văn hóa nhiều miền.
0:00 / 0:00
0:00

Từ những đợt di dân, chọn miền thượng du này làm quê hương mới, đồng bào từ nhiều vùng trong nước đã mang đến đây hồn cốt cố xứ và bản sắc văn hóa các tộc người.

Những giá trị đó góp phần tô điểm đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc thành tấm thổ cẩm hoa văn đa sắc.

Giao lưu, tiếp biến và hòa điệu văn hóa - đó là những điều dễ dàng cảm nhận về hình ảnh xứ sở cao nguyên hôm nay.

Từ sau ngày nước nhà thống nhất, cùng với đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc, người dân từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền trung đã chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai theo những làn sóng di cư, cả trong và ngoài kế hoạch.

Họ đã "gánh cả tên xã, tên làng theo những cuộc di dân" (thơ Nguyễn Khoa Điềm), họ mang vào đất mới nền văn minh làng xã đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa biển.

Trên đất Tây Nguyên, nơi nào người dân từ các vùng miền trong nước về tụ cư tập trung thì nơi đó bản sắc văn hóa cố xứ hết sức đậm đà.

Nó như những mạch nguồn âm ỉ trong dòng chảy đời sống hằng ngày của cư dân, cộng đồng. Mỗi khi có cơ hội thì dòng chảy ấy trào tuôn làm ấm thêm sắc màu quê mới.

Nó thể hiện ở cách đặt tên làng, tên phố, bằng những bản "hương ước" kế thừa những mỹ tục, điều phải, lẽ hay từ quê cũ, làng xưa.

Nó hiện hữu trong mỗi nét ăn, điều ở, lối sống, ứng xử và những biểu hiện hằng ngày.

Những lời ca, điệu múa cổ truyền từ thuở ông bà vẫn được trao truyền, phát huy trong đời sống hôm nay…

Khi đã nhận thức đó là những vốn quý, nhiều năm qua, chính quyền và ngành văn hóa các địa phương đã thực thi rất nhiều chương trình nhằm phát huy bản sắc văn hóa các vùng, miền trên đất Tây Nguyên. Chính cách làm đó đã tạo nên một không gian văn hóa đa dạng.

Trên cái nền cốt cách đầy nội lực của văn hóa bản địa của các tộc người nói hai ngữ hệ Mon-Khmer và Malayo-Polynesia, sự góp mặt những sắc màu văn hóa của các tộc người anh em từ mọi miền Tổ quốc đến đây đã tạo những cung bậc cảm xúc mới, hòa điệu và hấp dẫn.

Ở đâu đó giữa đại ngàn, cái nôi cồng chiêng, kể khan Tây Nguyên chợt da diết với lời hát then, hát lượn, hát sli trong giai điệu đàn tính của người Tây Bắc.

Ở đâu đó sau mùa thu hoạch cà-phê người dân lại được sống cùng đêm chèo Bắc Bộ mát rượi như thuở xưa sân đình và liền chị, liền anh lúng liếng làn điệu quan họ Kinh Bắc trên miền quê mới.

Xa biển lên rừng từ lâu nhưng người duyên hải nhớ về quê cũ vẫn không quên điệu hò bá trạo siêu linh trong lễ Cầu Ngư, câu lý giao duyên trữ tình hay lớp tuồng kể chuyện xưa tích cũ…

Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân. Phát huy bản sắc các vùng, miền, các tộc người đã tạo nên những sinh khí, những cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền trên quê hương mới.

Trong quá trình giao lưu văn hóa, cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ, đồng cảm. Họ cất lên thông điệp chung cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. Thăng hoa tinh thần góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện đời sống.

Nét độc đáo của mỗi tộc người, mỗi vùng, miền như những dòng suối nhỏ mát lành hòa vào dòng chảy văn hóa đại trường giang Tây Nguyên.

Việc khơi thông những mạch nguồn bản sắc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, giao thoa văn hóa các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất Tây Nguyên là điều vô cùng ý nghĩa và cần thiết.