Hoa nở… trong tranh

Nếu không làm họa sĩ, Trần Huy Tuân vẫn cứ trồng hoa, chăm sóc hoa vì trong cuộc sống, anh là người yêu thiên nhiên và thích các loài hoa đẹp. Thế nhưng, nếu không trồng hoa và yêu hoa, chàng trai người Đà Nẵng chắc chắn không thể vẽ được những bức tranh về hoa thật sự có hồn, sống động, nếu không muốn nói nhìn tranh anh vẽ mà như ảnh chụp, như hoa thật.
0:00 / 0:00
0:00
Vẽ hoa hồng là sở trường của Trần Huy Tuân.
Vẽ hoa hồng là sở trường của Trần Huy Tuân.

Khi đó, sẽ không có một Trần Huy Tuân họa sĩ như bây giờ và sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không được thưởng thức tài năng của anh, hiểu rõ hơn con người anh, được ngắm những bức tranh về các loài hoa, được dạo chơi trong một vườn cây đầy hương sắc ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Một người say hoa

Vốn đã biết Tuân trên fanpage Mê Tranh từ khá lâu nhưng rồi khi gặp anh trong căn nhà nhỏ vẫn còn bừa bộn ở thôn Phú Thượng mà anh mới chuyển về được vài tháng, tôi vẫn không thể hình dung chàng thanh niên có vóc dáng mảnh khảnh, tóc dài buộc túm đằng sau, vẻ bề ngoài rất nghệ sĩ này cũng là một người nông dân trồng hoa và bán hoa. Thực tế thì những ngày trước năm 2016, trồng, chăm sóc và bán hoa hồng là một trong những công việc mưu sinh mỗi ngày của Tuân.

Và hội họa với anh vào lúc này chỉ là niềm vui trong lúc rảnh rỗi, để duy trì đam mê và để khỏi quên nghề. Thật giống với câu thơ “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/Cơm áo không đùa với khách thơ” (trong bài Giới thiệu của Xuân Diệu). Những câu thơ đã chỉ ra một thực tế rằng, trong cuộc sống, chuyện “cơm áo” không thể đùa được, nhất là đối với những người có tâm hồn mơ mộng, lấy nghệ thuật làm niềm vui như Tuân. Tuy vậy, khi nghệ thuật mà cụ thể ở đây là chuyện sáng tác những bức tranh về hoa mang lại thu nhập cho anh sau này, Tuân thấy rằng, trong cái thời khó khăn trước đây, chính những lúc cầm cọ đã giúp anh rèn luyện thêm tay nghề, giúp anh cân bằng cảm xúc, mang lại cho anh động lực để vươn lên và giờ, công việc đó đang giúp anh cảm thấy cuộc sống thi vị, có ý nghĩa hơn.

Phải nói là Tuân chưa bao giờ rời bỏ giá vẽ của mình, thậm chí, công việc vẽ tranh còn giúp anh kiếm sống ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi anh không thi đỗ đại học. Một thời gian dài, chính xác là hai năm, anh vẽ thuê cho các phòng tranh ở đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), trước lúc trở về quê ở quận Cẩm Khê (Đà Nẵng). Tại Đà Nẵng, anh học nhiếp ảnh rồi mở cửa hàng ảnh, rồi cưới vợ, anh lại mở quán cơm, quán nhậu…

Có thể nói, để kiếm sống Tuân đã làm khá nhiều nghề, có điều, cuộc sống vất vả vẫn chưa buông tha cho gia đình anh, đặc biệt khi hai đứa con chào đời (cậu con trai lớn đang học lớp 9, cô con gái thứ hai hiện đã 9 tuổi). Thế nhưng, một tia sáng đã mở ra trang đời mới cho anh, đó là nghề trồng hoa hồng và bán hoa.

Vào thời điểm anh bắt đầu làm, Đà Nẵng chưa có nhiều người trồng hoa hồng nên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Tuân thuê đất rồi trồng hoa hồng trên đường Hoàng Văn Thái. Cây giống và hoa bán rất chạy. Càng đi sâu vào cái nghề của người nông dân này, Tuân thấy thế giới hoa hồng thật đa dạng chứ không chỉ có một vài loài hồng cổ hay hồng Thái Lan hoặc hồng chỉ có mầu đỏ, trắng, vàng… mà các bà, các chị vốn thích mua về cắm ở nhà.

Nhờ đó, anh tìm hiểu trên những hội, nhóm và nhập nhiều giống hoa hồng từ Thái Lan và Anh, đến nay đã lên tới khoảng 200 loài, trong đó có những giống hoa nở được quanh năm bất chấp khí hậu nắng nóng của miền trung, cho khu vườn rộng khoảng 1.000m2 của mình. Anh lấy tên gọi ở nhà của cô con gái là Susu để đặt cho khu vườn Susu Rose Garden (Vườn hoa hồng Susu) và cũng lấy khu vườn này để định vị địa chỉ trên Google Maps nếu ai đó muốn ghé thăm nhà anh tại thôn Phú Thượng.

Chính nhờ quãng thời gian làm vườn quý giá ấy đã mang lại cho Tuân khả năng nhận biết và ghi nhớ từng loài hoa hồng. Anh nhớ rõ từng cái cây, từng bông hoa, từng loại gai, tên gọi của chúng trong khu vườn của mình mỗi khi chăm sóc cây, nhân giống, chiết cành, từ hoa hồng đỏ Red Eden, Catalina, đến Misaki hay Bishop’s Castle… Nói như Tuân thì khi đam mê quá, anh coi việc chăm sóc vườn, chăm sóc một loài cây dễ mắc bệnh như hoa hồng như chăm sóc người thân hay con mọn. Đổi lại, quá trình này mang lại cho anh những cảm xúc và nguồn năng lượng tích cực, để anh duy trì cảm hứng trong việc vẽ tranh.

Hoa nở… trong tranh ảnh 1

Bức tranh hoa hồng đầu tiên của Trần Huy Tuân được nhà sưu tập Sonja
(người Đức) mua lại.

Thật may, nhờ nghề chụp ảnh trước đó của mình, Tuân có kinh nghiệm ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi hoa hồng nở. Điều này phục vụ rất nhiều cho công việc sáng tác tranh vẽ sau này của anh bởi mỗi bông hoa, không riêng gì hoa hồng, vào mùa đều không giống nhau, mỗi hoa nở mỗi kiểu, mỗi vẻ, mỗi hoa khoe sắc mỗi mầu và đây là lợi thế rất lớn của Tuân khi anh xây dựng cho mình nguồn tư liệu sáng tác phong phú và đa dạng. Thậm chí, ngoài hoa hồng, nếu có những loài hoa mới, hiếm, như mẫu đơn Hà Lan phải đặt trước và nhập khẩu từ chính Hà Lan, anh sẵn sàng bỏ tiền ra mua chỉ để về chụp hình làm tư liệu.

Thế nên, mỗi sáng mai thức dậy ngắm hoa nở, tâm hồn họa sĩ của Tuân lại được đánh thức. Không thể kìm lòng trước vẻ quyến rũ của các loài hoa trong vườn nhà, anh lại cầm bút vẽ để thả hồn mình vào những bức tranh hoa. Vậy là nghiệp vẽ lại kéo anh trở lại với tinh thần làm việc một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.

Thổi hồn vào tranh

Ấn tượng đối với tôi khi bước chân vào ngôi nhà mái bằng một tầng của Tuân ở thôn Phú Thượng không phải là những chiếc xe máy hay một số vật trang trí cũ mà anh trưng bày ở phòng khách mà là những bức tranh. Họa sĩ treo tranh mình vẽ hay tranh của đồng nghiệp tặng là chuyện rất bình thường, nhưng sau này, tôi mới nhận ra là những bức tranh đó có lẽ gắn với kỷ niệm nào đó của Tuân, nếu không muốn nói chúng đánh dấu và phân định sự nghiệp cầm bút vẽ đã có đến 20 năm của anh.

Ở hai bức tranh khổ to với gam màu tối, trầm như Tuân tiết lộ thì đó là giai đoạn đầu anh đang tìm hướng sáng tác, định hình phong cách. Còn trong bức tranh vẽ hoa phù dung “sớm nở tối tàn” thì mang phong cách hiện tại mà anh đang theo đuổi. Theo Tuân cho hay, cùng với hoa hồng, phù dung và mẫu đơn là hai loài hoa anh cũng thích vẽ và vẽ nhiều.

Điều ngạc nhiên nhất ở chàng trai sinh năm 1981 là anh học vẽ không phải ở trường lớp, cũng không có người bày dạy. Tất cả đều chỉ vì đam mê mà tự học từ nhỏ. Nhờ đó, sau khi đăng ký thi Trường đại học Nghệ thuật Huế nhưng không đỗ, có một thời gian Tuân vẽ thuê cho các phòng tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh và khi trở về Đà Nẵng, anh lại đến Hội An (Quảng Nam) để vẽ tranh bán cho khách du lịch. Để rồi khi hoàn thành khu vườn Susu Rose Garden và cảm xúc dâng trào thì chính đôi tay họa sĩ đã giúp anh ghi lại những khoảnh khắc đẹp của hoa hồng bằng các nét vẽ chứ không phải bằng máy ảnh như thường lệ trong bức tranh đầu tiên về hoa.

Và cũng từ đó, Tuân nhận ra đây là sở trường của mình và con người anh phù hợp hơn trong phong cách này. Thật đúng với câu nói “nghề chọn người”, số phận đã gắn chặt Tuân với các loài hoa và vẽ hoa. Được biết, bức tranh hoa hồng đầu tiên anh vẽ (Rose Glamis Castle) đã được chọn tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực nam miền trung-Tây Nguyên năm 2017 và được một vị khách người Đức chọn mua. Điều mà Tuân không ngờ là cuộc gặp gỡ định mệnh với người mua bức tranh ấy, bà Sonja, đã làm thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của anh sau này.

Bởi chính bà Sonja khuyên anh nên tập trung vào mảng vẽ hoa mà không phải là một chủ đề nào khác, để rồi trong quá trình sáng tác, anh có dịp khám phá bản thân nhiều hơn, thấy mình có thể tạo ra được sự khác biệt trong những bức tranh về hoa so với các họa sĩ khác.

Tuân cho biết thêm, hai bức tranh hoa mà anh đang hoàn thành sẽ được gửi cho bà Sonja để triển lãm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Berlin (Đức). Nhìn chung, những tác phẩm về hoa của Tuân đều được các nhà sưu tập trong nước và quốc tế đặt mua gần hết.

Không phủ nhận một họa sĩ trong quá trình sáng tác sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng của ai đấy, một phong cách nào đó, chẳng hạn như Tuân là với Henri Fantin-Latour (1836-1904), họa sĩ được mệnh danh “ông vua” hoa hồng, họa sĩ Pierre-Auguste Renoir (1841-1919) cũng chuyên vẽ hoa hồng hay Vincent Van Gogh (1853-1890), nhưng lợi thế của anh trong vẽ hoa, nhất là hoa hồng, còn là cảm xúc rất riêng về hoa. Bởi anh đã và đang trồng hoa, anh hiểu hoa và yêu hoa nhiều như yêu hội họa. Yếu tố này là rất quan trọng để giúp anh biết cách truyền tải bức tranh như thế nào cho cuốn hút, khác biệt với những họa sĩ khác, khi anh nắm rõ cấu tạo của hoa, của lá, thời điểm hoa nở lúc nào là đẹp, hoa cần thêm những giọt sương hay ánh sáng để trở nên đẹp hơn, thật hơn…

Thêm nữa, chính vì yêu thiên nhiên, yêu hoa nên anh luôn duy trì được nguồn năng lượng tích cực, sự hứng khởi trong sáng tác, để anh không lúc nào cảm thấy nhàm chán khi chỉ vẽ hoa và có thể ngồi hàng giờ chăm chút cho từng nét vẽ. Như Tuân tâm sự, nếu không thích vẽ hoa hồng, anh có thể chuyển sang vẽ hoa phù dung, hoa mẫu đơn hay các loài hoa khác và anh sẽ chỉ vẽ những bông hoa đang nở.

Cũng phải vì trong hoa hồng có hàng trăm giống khác nhau, hoa mẫu đơn thì có hàng chục loài, trong khi nếu chỉ vẽ hoa phù dung, chỉ cần xem hoa chuyển mầu trong ngày (sáng mầu trắng, trưa mầu hồng, chiều mầu đỏ), Tuân đã có thể có được những bức vẽ khác nhau. Thế nên, dạo quanh khu vườn hiện tại ở thôn Phú Thượng đã rộng hơn rất nhiều khu vườn ở đường Hoàng Văn Thái trước đây, tôi đã hiểu được vì sao Tuân lại tự tin đến vậy khi nói về động lực, cảm hứng và con đường sáng tác của anh. Bởi nếu một người đủ kiên nhẫn và tỉ mẩn chăm sóc cho từng gốc hoa đến thế, thì tất nhiên anh cũng sẽ rất kiên nhẫn để chăm chút cho từng nét vẽ và khiến những bông hoa nở ra rất đẹp trong bức tranh của mình.