Hòa Bình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình quyết tâm thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế của tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,5% đến 9%/năm; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 57,8%, dịch vụ 26,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,8%.

Du khách tham quan và mua các sản phẩm lưu niệm làm từ đá tại TP Đà Nẵng.
Du khách tham quan và mua các sản phẩm lưu niệm làm từ đá tại TP Đà Nẵng.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả, lấy khoa học công nghệ tiên tiến làm chủ đạo trong quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế dựa trên sự khác biệt, các lĩnh vực, sản phẩm đặc thù, tiềm năng lợi thế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, không tăng trưởng bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, là các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó tập trung khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư, quản lý dự án đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, các dịch vụ hành chính công.

* Đà Nẵng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đưa du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020 đón hơn 8,8 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 2,4 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 31.500 tỷ đồng.

Để thực hiện, thành phố tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ Phát triển du lịch Đà Nẵng để huy động thêm nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các khu du lịch.

Thành phố khuyến khích các đơn vị, địa phương tăng cường nâng cao hiệu quả du lịch thông qua đánh giá, xếp hạng, bình chọn và tôn vinh đối với các doanh nghiệp và địa danh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật để phục vụ du khách; quy hoạch và kêu gọi, vận động đầu tư các cụm dịch vụ giải trí, ẩm thực và mua sắm tập trung, hình thành các khu vui chơi giải trí về đêm.

Đà Nẵng cũng tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng lưu niệm trên địa bàn thành phố; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh việc triển khai các dự án về du lịch, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với du lịch, bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện.