Hòa Bình quyết liệt thực hiện bốn đột phá chiến lược

Những năm qua, với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Bùi Đức Hinh (thứ năm từ phải sang) chỉ đạo thực hiện Dự án Nhà máy Dệt kim tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh LÊ CHUNG)
Đồng chí Bùi Đức Hinh (thứ năm từ phải sang) chỉ đạo thực hiện Dự án Nhà máy Dệt kim tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh LÊ CHUNG)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí BÙI ĐỨC HINH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình khẳng định: Tỉnh đang thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội…

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Hòa Bình trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025?

Đồng chí Bùi Đức Hinh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tiêu cực; phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19; phục hồi phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Sau hơn hai năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt.

Bộ máy các cơ quan nhà nước tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, được đông đảo nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.

Tỉnh lãnh đạo thực hiện quyết liệt bốn đột phá chiến lược như: Tập trung lãnh đạo lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; số thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ ba, mức độ bốn chiếm tỷ lệ hơn 76%, có 50% thủ tục hành chính về nộp phí, lệ phí áp dụng thanh toán trực tuyến. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều công trình giao thông trọng điểm được khởi công; các hạ tầng: thủy lợi, cung cấp điện, đô thị, cấp nước sạch, công nghệ thông tin, dịch vụ được chú trọng; ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, giáo dục...

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thuộc vùng động lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội và khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng: Tập trung phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 61,2%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Chú trọng đầu tư hạ tầng và ban hành cơ chế chính sách phát triển các loại hình du lịch, nhất là Khu du lịch hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và ba xã vùng cao huyện Tân Lạc.

Văn hóa, xã hội được tỉnh chú trọng, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực: Ban hành các nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và tăng cường các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông chuẩn quốc gia đạt 59,54%. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,29% (giảm 3,2% so với năm 2021). Công tác dân tộc, tôn giáo và đối ngoại được quan tâm thực hiện...

Phóng viên: Thưa đồng chí, đâu là những khó khăn chính và bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?

Đồng chí Bùi Đức Hinh: Trong điều kiện thế giới và khu vực diễn biến phức tạp khó lường, đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch dẫn đến lượng khách du lịch và tổng thu từ hoạt động dịch vụ, du lịch của tỉnh giảm mạnh... Dự báo đến hết nhiệm kỳ, có ba chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra là: Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, GRDP bình quân đầu người. Từ những khó khăn trên, Tỉnh ủy Hòa Bình đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm sau:

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thường xuyên, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; điều chỉnh, bổ sung kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành khoa học, thông suốt, tránh chồng chéo.

Hai là, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tận tụy, gương mẫu, thống nhất trên dưới một lòng, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên trên các lĩnh vực công tác.

Ba là, làm thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh "thấu tình, đạt lý". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cụ thể hóa trách nhiệm; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý và điều hành thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.

Bốn là, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường ổn định để thu hút đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Lắng nghe, nắm bắt, giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.

Phóng viên: Vậy để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, tỉnh sẽ triển khai những giải pháp đột phá như thế nào?

Đồng chí Bùi Đức Hinh: Giai đoạn tới, Tỉnh ủy Hòa Bình tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên đổi mới phong cách và lề lối làm việc, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với cải cách hành chính trong Đảng.

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ bốn đột phá chiến lược: Hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo hướng cắt, giảm kế hoạch vốn của các dự án chưa cấp thiết, để ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu hằng năm giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước. Quan tâm phát triển thương mại điện tử. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới và chất lượng cao, tập trung phát triển du lịch các khu vực trọng điểm như 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc, khu vực lòng hồ Hòa Bình,... Khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu. Cơ cấu các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên cho đầu tư phát triển.

Thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư.

Tập trung các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, các di tích và lễ hội tỉnh Hòa Bình. Xây dựng Đề án bảo tồn văn hoá dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trình UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ngành dịch vụ ước đạt 7,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân hằng năm ước tăng 17,96%, đến cuối năm 2023 ước đạt 61.992 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 1.217,9 triệu USD năm 2021 lên gần 1.695 triệu USD năm 2023. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm đạt khoảng 4%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 138 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 80.665 tỷ đồng; có 1.152 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 28.452 tỷ đồng; đến nay, có 734 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với vốn đăng ký hơn 201.436 tỷ đồng; có 4.468 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 73.548 tỷ đồng.