Năm 2018, tỉnh đã tổ chức diễn tập ứng phó với hạ lưu sông Đà; năm 2019 diễn tập phòng chống dịch Covid-19; năm 2021 diễn tập phòng, chống cháy nổ… Nhìn chung các cuộc diễn tập được tổ chức với nhiều vấn đề huấn luyện sát với thực tế, bảo đảm đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Năm 2023, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan với các hình thái thiên nhiên như: Hạn hán, động đất, bão lũ, mưa lớn kéo dài, sạt lở… đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân và tài sản của Nhà nước.
Đặc biệt, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, động đất, tình hình dịch bệnh tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp bách đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Mưa to kéo dài khiến mực nước ở suối Chăm (trên địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình) dâng cao, chảy xiết, gây nguy hiểm cho các hộ sống ven suối. (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 2/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; căn cứ chương trình công tác năm 2023 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; Chỉ thị số 975/CT-QK3 về việc tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo Tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề "Tỉnh Hòa Bình phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức phòng thủ dân sự tỉnh ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình”.
Cuộc diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình năm 2023 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng thủ dân sự.
Đồng thời, kiểm tra, đánh giá công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, chỉ huy điều hành, khả năng huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ. Trên cơ sở đó, bổ sung điều chỉnh kế hoạch phương án sát tình hình thực tế của địa phương, hiệu quả cao.
Các lực lượng tham gia diễn tập luyện tập thực hành phương án xử lý các tình huống cứu nạn cứu hộ tại Bệnh viện dã chiến. (Ảnh: Đức Anh - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình) |
Cuộc diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình gồm 2 giai đoạn diễn tập. Giai đoạn 1: diễn tập vận hành cơ chế và giai đoạn 2: thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến hồ, đập thủy điện Hòa Bình và tìm kiếm cứu nạn.
Giai đoạn 1 có 3 vấn đề huấn luyện là: Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình triển khai nhiệm vụ phòng thủ ứng phó với động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình và tìm kiếm cứu nạn; Hội nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình đánh giá tình hình, điều hành, bổ sung kế hoạch ứng phó; giao nhiệm vụ và khắc phục hậu quả động đất làm ảnh hưởng đến đập thủy điện Hòa Bình (tham quan trực tiếp); thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình.
Giai đoạn 2 có 5 vấn đề huấn luyện gồm: Thông tin, thông báo, cảnh báo động đất, di dời nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, thiết lập Sở Chỉ huy phía trước của tỉnh Hòa Bình; vận hành xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình; tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện bị đắm chìm, trôi dạt trên hạ lưu sông Đà; khắc phục sự cố sạt lở, sập đổ công trình và tìm kiếm cứu nạn; thiết lập bệnh viện dã chiến, khu vực sơ tán nhân dân bị ảnh hưởng do thảm họa, sự cố gây ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh (giữa) chủ trì cuộc họp kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa, thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình năm 2023. |
Với 8 vấn đề huấn luyện bao gồm nhiều nội dung quan trọng và đã từng xảy ra trong thực tế như: Hiện tượng sạt lở, ngập úng… cho thấy cuộc diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình là cuộc diễn tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực.
Việc thực hiện thành công cuộc diễn tập có giá trị như một bộ giáo án giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền rút ra được cơ chế vận hành, cách thức điều hành, triển khai ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ngay sau khi nhận được chủ trương của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ diễn tập vào nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của tỉnh Hòa Bình năm 2023; đồng thời chỉ đạo khảo sát thực địa, xác định nội dung, xây dựng ý định diễn tập theo đúng Chỉ thị của Tư lệnh Quân khu.
Lực lượng chức năng đặt biển cảnh báo trên Quốc lộ 6 đoạn qua xóm Tam Hòa, xã Đồng Tân, Mai Châu. (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các tiểu ban giúp việc đã chủ động tổ chức hội nghị để quán triệt, triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tiến hành xây dựng hệ thống văn kiện, huy động lực lượng, phương tiện và cơ sở vật chất tổ chức huấn luyện, tiến hành luyện tập, đến nay các lực lượng đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng thực hành diễn tập theo đúng kế hoạch.
Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình là nhiệm vụ mới và khó, có nhiều lực lượng cùng tham gia hiệp đồng tác chiến và diễn ra trong thời điểm tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ trong trạng thái bình thường mới.
Để cuộc diễn tập thành công tốt đẹp theo đúng tinh thần diễn tập đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, an toàn tuyệt đối về mọi mặt, tỉnh yêu cầu các đồng chí trong khung diễn tập và các lực lượng tham gia thực hành diễn tập cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau:
Một là: Nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về chiến lược quốc phòng-an ninh trong tình hình mới; quán triệt sâu sắc quan điểm, mục đích, ý nghĩa, quy mô cuộc diễn tập; bám sát nguyên tắc, gắn lý luận về xây dựng khu vực phòng thủ, các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai với đặc điểm, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra.
Quá trình diễn tập quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo "Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh, có hiệu quả, lấy phòng là chính” vận dụng sáng tạo phương châm "4 tại chỗ” và nguyên tắc "thống nhất chỉ huy, kiên quyết triệt để và kịp thời, tập trung lực lượng có trọng điểm”.
Hai là: Quán triệt và thực hiện đúng phương án diễn tập đã được Ban chỉ đạo diễn tập thông qua; triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cho các khu diễn tập, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, trang thiết bị, phương tiện giao thông… trong quá trình diễn tập. Đặc biệt quá trình diễn tập không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Công ty Thủy điện Hòa Bình, các doanh nghiệp, cá nhân và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Ba là: Sau diễn tập tổ chức rút kinh nghiệm, nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, động đất, thiên tai của các cấp, các ngành cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có thể xảy ra trong thực tiễn.